Ngày 18-5, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về dự án làng ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc (gọi tắt là dự án).
Đây là dự án được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997 với tổng diện tích 300ha, trong đó Quảng Nam 190 ha, Đà Nẵng hơn 110 ha. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, 23 năm qua, dự án này vẫn chưa triển khai. Tháng 11-2019, Bộ KH-ĐT đã quyết định phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020, trong đó dự án này được bố trí vốn 500 tỉ đồng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đi khảo sát thực tế dự án Làng ĐH Đà Nẵng sáng nay. Ảnh: T.AN
Báo cáo tại buổi làm việc, PGS TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho hay, từ 1997 đến 2017, tổng vốn đầu tư của Bộ cho dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng khoảng 300 tỉ đồng, đạt 0,5% so với tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng (năm 1997) và được triển khai trong 3 giai đoạn.
“Với khoản vốn trên, ĐH Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng được 25,4 ha, nếu tính cả 13,55 ha đất của Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn được sáp nhập về ĐH Đà Nẵng thì tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án cho đến nay là 38,95 ha”- ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, chủ trương của Thủ tướng là xây dựng ĐH Đà Nẵng thành một trong ba trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước với diện tích 300 ha đáp ứng quy mô 60.000 sinh viên và 3.500 cán bộ nhân viên.
ĐH Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số công việc cụ thể. Tuy nhiên, dự án được triển khai trên 2 địa bàn là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam này đã bị "treo" suốt hơn 20 năm nay do gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
“Công tác tái định cư phục vụ cho giải phóng mặt bằng trên thành phố có ý nghĩa quyết định. Nếu nút thắt này được tháo gỡ sẽ là tiền đề hết sức quan trọng quyết định đến sự thành công của dự án” – ông Vũ cho hay.
PGS TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, tại buổi làm việc. Ảnh: BÙI TOÀN
Từ đó lãnh đạo ĐH Đà Nẵng đề xuất đối với thành phố 2 phương án. Phương án 1 là TP xây dựng khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án ĐH Đà Nẵng từ nguồn kinh phí của địa phương.
Sau đó, TP sẽ thu lại khoản kinh phí đã đầu tư khu tái định cư này từ việc bán đất cho các đối tượng tái định cư thuộc khu vực giải phóng mặt bằng của dự án.
Phương án 2 là TP sử dụng các khu tái định cư mà TP đã xây dựng để thực hiện tái định cư chung cho các dự án khác nhau để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi dự án ĐH Đà Nẵng từ nguồn kinh phí của TP. Đây được xem như là đầu tư cho sự phát triển của TP.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: BÙI TOÀN
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay quan điểm của thành phố là giao cho Sở Xây dựng quy hoạch để tìm ra khu tái định cư mới bố trí cho các hộ dân. Phương án lấy đất nhiều nơi rất khó vì hiện nay quỹ đất tái định cư cho những người tái định cư đã thiếu vì vậy không thể dùng phương án 2 như ĐH Đà Nẵng đã đề xuất.
TP thống nhất chọn phương án 1 và sẽ cho thành lập một tổ riêng để xử lý những vướng mắc liên quan đến dự án. Trong quá trình này, Bộ GDĐT, UBND TP và ĐH Đà Nẵng cần phối hợp chặt chẽ để lập ra một tiến độ thật chi tiết cho tất cả các công đoạn.
"Cần tập trung làm cho xong giải phóng mặt bằng với một quyết tâm mới. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ và ĐH Đà Nẵng có thêm những đội ngũ chuyên trách để giải quyết nhanh và gọn những vưỡng mắc phát sinh trong quá trình triển khai" - ông Thơ nói thêm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá tầm vóc, tiềm năng của ĐH Đà Nẵng là rất lớn. Nếu nhìn vào cơ cấu, hiện nay ĐH Đà Nẵng có xu hướng rất thuận lợi do có toàn khối khoa học công nghệ điện tử viễn thông, kỹ thuật… đây chính là cốt lõi.
Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng có cơ sở giao lưu văn hóa, giáo dục… tiềm năng phát triển rất mạnh. Vì vậy Bộ rất mong lãnh đạo TP Đà Nẵng tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh tiến độ dự án, trước hết là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân trong khu vực.