Học phí đại học (ĐH) ngày càng tăng cao đang là vấn đề “nóng” trong dư luận hiện nay, nhất là với các phụ huynh có con em bước vào mùa tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm 2021 này.
Học phí bắt buộc phải tăng
Bốn trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM vừa lần lượt công bố lộ trình tăng học phí cho năm học tới theo đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Đây là đề án mà Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM đã thông qua từ giữa năm 2020. Bốn trường này gồm: Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Quốc tế.
Theo đề án, từ năm 2021, các trường sẽ thực hiện tự chủ đảm bảo chi thường xuyên. Thay đổi đáng chú ý nhất khi thực hiện là học phí sẽ được điều chỉnh tăng để đảm bảo định mức kinh tế - kỹ thuật và chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo.
Việc tăng mạnh chủ yếu áp dụng cho năm đầu tiên khi triển khai tự chủ với mức tăng có trường lên đến gấp đôi mức cũ, 12-25 triệu đồng/năm nhưng có trường chỉ tăng nhẹ 2-5 triệu đồng. Những năm tiếp theo đến năm 2025, mỗi năm học phí tăng thêm khoảng 10%.
Phụ huynh, sinh viên trong một đợt làm thủ tục nhập học năm học 2020-2021 tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Ảnh: THÁI SƠN
Trước nhiều băn khoăn, lo lắng từ dư luận, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết bốn trường thành viên của Quốc gia TP.HCM đã được phê duyệt đề án tự chủ nên ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước cho các trường đã bị cắt hoàn toàn. Do đó, các trường buộc phải xây dựng và áp dụng mức học phí mới từ năm học tới.
“Mức học phí đang áp dụng lâu nay quá thấp nên việc tăng học phí này tưởng là cao nhưng thật ra chưa đúng so với đơn giá tính thực tế. Nếu không áp dụng học phí mới, các trường công khó mà phát triển, không giữ chân được đội ngũ. Thực tế đã có nhiều cán bộ, giảng viên vì thu nhập quá thấp đã bỏ việc để qua trường tư rồi” - vị này nói.
Tương tự, theo công bố mới nhất của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ năm học 2021-2022, trường cũng dự kiến áp dụng mức học phí mới theo hai mức 32 triệu đồng và 28 triệu đồng/năm. So với năm 2020, mức thu này tăng hơn gấp đôi.
Về vấn đề này, trước đó, PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường, cho rằng thực ra trường được phê duyệt đề án tự chủ từ năm 2018 nhưng không được điều chỉnh tăng học phí. Điều này khiến nhà trường rất khó khăn trong việc chi trả thu nhập cho đội ngũ, cũng như chi phí đào tạo sinh viên (SV).
Tuy nhiên, phía nhà trường cũng cho rằng đây mới là học phí dự kiến, trường vẫn đang chờ UBND TP.HCM xét duyệt mới được áp dụng.
Trường ĐH Y Hà Nội cho biết hiện trường chưa công bố đề án tuyển sinh nên chưa có mức học phí cụ thể. Tuy nhiên, năm học tới nhà trường chưa thực hiện tự chủ nên học phí không có nhiều thay đổi so với trước. Cụ thể, SV học hệ chính quy vẫn đóng học phí theo quy định tại Nghị định 86, tức khoảng 14,3 triệu đồng/năm. Khi thực hiện tự chủ, ĐH Y Hà Nội sẽ có lộ trình tăng học phí trong những năm tới trên cơ sở đảm bảo khả năng chi trả của phụ huynh, học sinh nhưng phải tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Còn Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có lộ trình tăng học phí từ năm 2020 đến 2025 với mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo.
Đừng tăng vô tội vạ
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nhận định cách tính học phí ở các trường hiện nay đang rất khác nhau. Khi có quy định về trường ĐH tự chủ, nếu không giám sát, một số trường sẽ lạm dụng quy định, tăng vô tội vạ.
“Tôi đề xuất các nhà lãnh đạo ngoài việc giao quyền tự quyết cho các trường cần quy định mức khung cụ thể cho từng ngành/chương trình đào tạo để học sinh nào cũng bình đẳng như nhau, không vì vấn đề học phí mà làm con đường học tập của các em bị gián đoạn” - GS Dong nói.
Theo GS Dong, nhà trường cần dựa vào chi phí đào tạo ra một SV. Đây là cách thế giới đang làm nhưng ở Việt Nam chưa có cơ quan nào hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH về cách tính.
Một chuyên gia giáo dục khác cũng nhận định tác động tiêu cực của tự chủ ĐH là dễ dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục ĐH chỉ chú trọng vấn đề tự chủ tài chính. Áp lực tự chủ khiến một số trường bằng mọi giá thu “phí dịch vụ” cao. Từ đó, học phí chi trả cho trang thiết bị và giảng dạy bị kéo theo, khiến học sinh trở thành nạn nhân của “kinh doanh giáo dục”.
GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng vấn đề học phí ĐH hiện nay cần nhìn nhận từ nhiều phía, xã hội cũng phải chung lưng và có trách nhiệm cùng giáo dục. Xã hội muốn nhân lực có chất lượng thì cũng cần có chi phí đào tạo tối thiểu, nếu quá thấp thì khó có thể đảm bảo chất lượng vì lương giảng viên, giáo trình, điều kiện thực tập thực hành…
“Tuy nhiên, nâng học phí trong điều kiện khó khăn hiện nay thì cần có lộ trình phù hợp, có thể chấp nhận lộ trình chậm hơn, năm nay tăng ít, năm sau tăng nhiều để tiến tới làm sao đạt chi phí đào tạo tối thiểu. Từng bước nâng học phí lên cũng là từng bước nâng cao chất lượng, tạo sự dễ dàng hơn cho người học chứ không phải tăng cao lập tức sẽ có chất lượng tốt ngay, đó là sự hy sinh của giáo dục và của xã hội” - GS-TS Quân nói.
Lộ trình tăng thế nào, theo GS-TS Quân, phụ thuộc từng ngành, từng trường và cần sự hướng dẫn của cơ quan quản lý. Và quan trọng nhất là trách nhiệm giải trình xã hội và sự minh bạch trong việc tăng học phí này, vì xét cho cùng, giáo dục là đào tạo con người chứ không phải chạy theo lợi nhuận tối đa để tạo sự dễ dàng cho cơ sở đào tạo mà gây khó cho xã hội.
Các trường phải giải trình rõ cho cơ quan quản lý, cho xã hội thấy được tại sao phải tăng mức đó, kể cả minh bạch về lộ trình.
Hiện nay quy mô đào tạo ĐH cả nước đã rất lớn, Nhà nước không thể bao cấp nhiều mà chỉ hỗ trợ cho một vài nhóm ngành/nghề thôi. Nhưng Nhà nước có thể dùng tín dụng giáo dục để có chính sách cho người học vay với lộ trình, lãi suất phù hợp. Đồng thời, Nhà nước cũng có thể hỗ trợ nhà trường theo cách đặt hàng các trường đào tạo, đầu tư cho một vài ngành trọng điểm mà Nhà nước muốn trường đó vươn lên trong khu vực và thế giới. GS-TS TRẦN HỒNG QUÂN |
Bộ GD&ĐT kiến nghị giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 Về vấn đề này, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết hiện nay các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định 86. Nghị định này hết hiệu lực vào cuối năm 2020-2021. Để thay thế nghị định sắp hết hiệu lực, Bộ GD&ĐT đang phối hợp cùng các địa phương soạn thảo quy định mới. Dự thảo quy định mới đang trình Chính phủ thay thế Nghị định 86 cũng yêu cầu cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục ĐH. Tuy nhiên, tại dự thảo nghị định mới, Bộ GD&ĐT cũng đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh. Đồng thời, dự thảo nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục. |