Giao khu phố bảo vệ cây xanh

Nên để cộng đồng giữ gìn

Dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn thì không ai là không thích thú khi đi trên những con đường rợp bóng cây xanh có bầu không khí trong lành, mát mẻ. Vậy mà vì lợi ích trước mắt của bản thân, nhiều người hoặc đơn vị đã không ngần ngại làm cho cây xanh chết dần chết mòn bằng nhiều cách như: bóc vỏ, chặt rễ chung quanh, đóng đinh, đổ acid, nước sôi, thậm chí đốn hạ cây xanh. Những hành vi đó cần bị xã hội lên án gay gắt vì trái pháp luật, phá hoại tài sản công.

Để cây xanh được bảo vệ tuyệt đối, tôi đề nghị chính quyền TP.HCM nên giao hẳn cho mỗi địa phương tự quản lý và chăm sóc cây xanh. Ví dụ: Cây xanh thuộc khu phố nào thì người dân ở đó sẽ tự đứng ra tổ chức quản lý, chăm sóc, giữ gìn; nếu phát hiện cây nào bị sâu bệnh chậm lớn hoặc bị chặt phá… thì phải báo ngay cho các cơ quan chức năng.

lethanh…@yahoo.com

Nhiều đô thị ở các nước rất yêu quý cây xanh. Khi xây dựng, họ luôn uốn nắn công trình theo hệ sinh thái, cây
xanh có sẵn cho phù hợp, chứ không phải như ở ta thường tìm cách triệt hạ cây xanh cho bằng được vì sợ xấu, sợ không hên.

Giao khu phố bảo vệ cây xanh ảnh 1

Công nhân Công ty Dịch vụ công ích quận 3 tưới cây trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3. (Ảnh chụp chiều 4-4) Ảnh: MINH HIẾU

“Mánh lới” triệt cây xanh như bài báo đã đăng thực ra không phải bây giờ mới có. Vài năm trước có người đã bóc lớp vỏ cây, dội nước sôi, acid, muối, khoáng chất hay láng xi măng vào gốc làm cho cây héo úa dần rồi chết…; hoặc chặt cành chính làm cho cây tổn thương hay cưa một phần các thân cành cây chính; cấp thời hơn thì đốn hạ cây lúc đêm tối hoặc lúc mưa to gió lớn. Khi quy định của pháp luật không thiếu, tại sao chính quyền không thể xử lý được vi phạm? Phải chăng chúng ta chưa phát huy sức mạnh của UBND cấp phường, xã, nơi nắm chắc địa bàn nhất và cấp này cũng có nhiều con mắt giám sát nhất để kịp thời ngăn chặn trước khi quá muộn?

TRẦN PHƯƠNG (Quận 5)

Phải chế tài thật nghiêm

Nhớ lại hồi cuối năm 2009, một hộ dân cư ngụ cùng cư xá với tôi đã tự ý kêu người đến chặt một cây bàng và cành lá của cây da lâm vồ. Cả hai cây đều được đánh mã số, phân loại và thuộc sự quản lý của Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM. Ngay tức thời công ty và thanh tra xây dựng phường đã lập biên bản về hành vi vi phạm này. Sau đó, các đơn vị có liên quan đã gửi công văn đề nghị Thanh tra Sở Giao thông vận tải xử phạt nhưng sở này chỉ sang Sở Xây dựng. Kẹt nỗi, Sở Xây dựng lại bảo không có thẩm quyền… Rốt cuộc, hết hạn xử phạt nên người vi phạm được “trắng án”. Việc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi trong trường hợp như thế này cũng “huề trớt” vì… không có hướng dẫn.

Theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 23/2009 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1-5-2009) thì hành vi tự ý chặt hạ cây xanh có thể bị xử phạt 10-15 triệu đồng. Việc xử phạt do chánh Thanh tra Sở Xây dựng, chủ tịch UBND cấp quận, huyện thực hiện. Không biết những quy định chồng chéo cũ giờ đã được tháo gỡ chưa để việc xử lý người phá hoại cây xanh dễ dàng hơn?

NGUYỄN THỊ LOAN (Quận Bình Thạnh)

Vận động dân chăm sóc cây

Những mảng xanh trên những tuyến đường chính của quận 3 như đường Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định… do Công ty Dịch vụ công ích quận chịu trách nhiệm quản lý. Những mảng xanh nhỏ hơn trong khu dân cư hay ở các tiểu đảo thì do UBND các phường và người dân cùng nhau chăm bón, giữ gìn. Hiện quận đang thực hiện chủ trương xã hội hóa mảng xanh theo hướng sẽ vận động người dân cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tự nguyện cùng nhau chăm sóc, đóng góp kinh phí để duy trì và phát triển thêm những mảng cây xanh trên địa bàn.

Ông LÊ THÀNH QUỐC (Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm