Ngày 20-11, GS Phan Văn Trường đã có buổi trò chuyện với độc giả và cũng là những học trò của ông tại Nhà xuất bản Trẻ (TP.HCM).
Buổi trò chuyện của GS Phan Văn Trường cũng là buổi ra mắt bộ ba quyển sách của ông: Một đời quản trị, Một đời thương thuyết và Một đời như kẻ tìm đường; nhưng buổi trò chuyện tạo nhiều cảm hứng và hữu ích cho người nghe bởi nó vượt ra ngoài khuôn khổ trang sách. Đó là là những kiến giải, vạch đường… ngắn gọn nhất cho mỗi băn khoăn của người nghe từ GS Trường.
Toàn bộ tác quyền, nhuận bút của bộ sách "Kết tinh một đời" được GS Phan Văn Trường trao tặng Quỹ giáo dục Lê Mộng Đào nhằm giúp đỡ sinh viên nghèo. Ảnh: QT
Tất cả bạn trẻ có mặt ở khán phòng Nhà xuất bản Trẻ đều có những suy tư về việc đứng trước chọn lựa nghề nghiệp, ứng xử với các quan hệ trong cuộc sống, đối diện với thất bại ra sao để còn trụ vững giữa đời…
Với việc nghề nghiệp, GS Trường đã nhắn nhủ các bạn trẻ rằng: “Mỗi người luôn phải có hai nghề, nghề tay và nghề trí. Nghề trí tức là nghề dùng trí óc, nghề tay là nghề gì đó mình có khả năng, năng khiếu. Trên đời đời chưa chắc thành công từ nghề lý trí, nhưng nghề tay lại cho mỗi người niềm vui sống. Và trong bối cảnh hiện nay thì nghề chân tay lại mang nhiều giá trị và giúp chúng ta sống tốt”.
GS Trường cũng ví dụ về một “con đường mô hình” mà nhiều người đang lựa chọn, đó là trình tự đi học, tốt nghiệp ra trường, lấy vợ lấy chồng, sinh con, mua nhà mua xe…
“Những người đi theo con đường mô hình thì cùng lắm chỉ sống được nửa đời. Vì thế rất nhiều người sau 35 tuổi đã thấy ôi đủ rồi, vậy còn cả 30-40 năm cuộc đời còn lại chúng ta làm gì? Tôi đã từng như thế trước 40 tuổi và sau 40 tuổi mới nhận ra chúng ta có một nghề nghiệp và sau 50 chúng ta mới thật sự chín chắn.
Chúng ta chỉ làm những việc không miễn cưỡng, sống cho nhàn, làm tất cả những cái tài mình có miễn mình vui và cứ từ từ mà đi chứ đừng mô hình hóa nó. Khi mô hình hóa cuộc đời chúng ta đã không còn hạnh phúc” - GS Trường chia sẻ.
Từ tháng 5-2019, GS Phan Văn Trường đã thành lập chuỗi khóa học miễn phí mang tên "Cấy nền" để cùng các bạn trẻ tìm nguồn gốc, giải quyết những khó khăn nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Ảnh: QT
Buổi nói chuyện của GS Trường trong bối cảnh nhiều bạn trẻ Việt Nam đứng trước cán cân so sánh giữa chính mình, lòng yêu nước của mình với những bạn bè các quốc gia xung quanh, với câu hỏi trách nhiệm và vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc yêu nước ra sao?
GS Trường đã kiến giải: “Tôi đã tự đặt câu hỏi đó 20 năm trước cho chính mình khi suy nghĩ rằng phải tìm những người trẻ yêu nước nhưng có lẽ may mắn, xung quanh mình, tôi luôn tìm thấy người trẻ nhiệt huyết. Mỗi người có những khắc khoải cho tương lai riêng của họ, đó là điều hiển nhiên; nhưng song song đó họ cũng muốn tạo ra giá trị và hơn cả là giá trị khác biệt. Tôi đi hơn 80 quốc gia trên thế giới và còn đi tiếp, tôi nhận ra được sự sắc sảo của giới trẻ Việt Nam.
Tuổi trẻ Việt Nam cũng cảm nhận được họ đang khi bị dồn vào vùng hơi tối một tí, họ muốn vùng ra khỏi bóng tối đó tạo ra một sự sáng trưng. Người trẻ nhiệt huyết, đạo đức đó là may mắn của Việt Nam nhưng đôi khi họ còn trong bọc nào đó. Tôi tin rằng chỉ vài năm nữa người trẻ sẽ bùng lên với sáng tạo, đạo đức, tôi nghĩ mình có bổn phận chọc thủng cái bọc của sự chờ đợi đó”.
GS Trường cũng nhắn nhủ các bạn trẻ đừng bao giờ thôi theo đuổi giấc mơ nhưng hãy luôn biết mình, biết người, biết giới hạn lẫn khả năng của bản thân.
Buổi nói chuyện hơn 2 giờ nhưng không người nào muốn rời khán phòng dẫu đã trưa. Hàng dài độc giả xếp hàng chờ được GS Trường ký lên những quyển sách, dù ba đầu sách của GS Trường hoàn toàn không phải những sách đọc giải trí. Phải chăng cũng nhiều người trẻ đang tìm kiếm cho mình những cẩm nang nho nhỏ trước cuộc sống quá nhiều biến động bất ngờ?
Sách hay hành trình của cuộc đời mỗi người sẽ luôn là sự kiếm tìm, và sự kiếm tìm quan trọng nhất chính là tìm được chính mình… như trong trang cuối Một đời như kẻ tìm đường, GS Phan Văn Trường đã viết: “Người ta cứ tưởng rằng phải biết lựa chọn hướng đi, rồi phải thành công, thì sau đó mới tìm ra hạnh phúc. Nào ngờ phải nghĩ ngược hẳn lại, cứ đi theo những ý thích thầm kín nhất của mình, cứ hướng theo ánh sáng của sự thèm khát nhất từ bên trong, và bám chặt lấy cái ám ảnh tích cực đó rồi mới tìm ra hướng đi. Nói nôm na, có sướng thì mới đi chứ đừng đi để mần mò tìm cái sướng.
Thành thử lộ trình đúng không phải là thành công tạo ra hạnh phúc, mà chính hạnh phúc mới tạo ra thành công. Hướng đi không nhất thiết đưa tới hạnh phúc mà chính niềm hạnh phúc mới mở đường cho chúng ta đi”.
Trả lời cho câu hỏi, sau khi ra mắt ba quyển sách, có điều gì tiếc nuối mà giáo sư chưa thể hiện qua sách? GS Phan Văn Trường đã trả lời: “Có. Chúng ta trong lịch sử loài người lúc nào cũng phải xây dựng lại xã hội. Không xã hội nào không phải xây dựng lại mỗi năm mỗi thập niên mỗi thế kỷ. Bổn phận người tri thức là tạo nên một thế giới có khả năng xây dựng nên xã hội mới. Dĩ nhiên họ không thể vẽ ra một mình xã hội mới mà họ tạo sự gắn kết, tích tụ tri thức, giới trí thức để xây dựng xã hội mới. Khi viết xong ba quyển sách tôi thấy mình có bổn phận đi tìm ít nhất một vài khái niệm tạo nên xã hội chúng ta mong ước. Xã hội hiện thời đang cho chúng ta sự êm ấm, đến ngày hôm nay nó đã được đánh giá như bước tiến lớn nhưng không lúc nào chúng ta được quên phải xây dựng một xã hội mới. Vì thế, nếu tôi còn đủ năng lượng viết, tôi sẽ viết tiếp một quyển sách mong mình sẽ phác họa được những hướng đi cho tương lai, đó mới là cẩm nang cuối cùng tôi để lại”. |
GS-kỹ sư Phan Văn Trường là cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990. Ông là chuyên gia đàm phán quốc tế, từng lãnh đạo ba tập đoàn đa quốc gia làm việc trên 60 nước. Từng hội kiến với khá đông chính khách và nguyên thủ quốc gia, ông là người có bề dày kinh nghiệm tham gia cố vấn trực tiếp cho chính phủ cùng các tập đoàn lớn tại Việt Nam. Ông hai lần được tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ (Đài Ghi Công - 1990, Bắc Đẩu Bội Tinh - 2006). Năm 2010, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã trao tặng huy chương Vì Sự nghiệp Giáo dục cho giáo sư tại Hà Nội. Quyển sách tiếng Việt đầu tay của ông là Một đời thương thuyết đã được vinh danh ở hạng mục Sách Quản trị tại Giải thưởng Sách hay 2016. Bộ sách Kết tinh một đời của GS Phan Văn Trường sẽ gồm ba tựa sách: Một đời quản trị, Một đời thương thuyết và Một đời như kẻ tìm đường. |