GS Phan Văn Trường hiến kế đột phá sáng tạo và khởi nghiệp

ĐỐI THOẠI KIỀU BÀO TRÍ THỨC - BÀI 1:

GS Phan Văn Trường hiến kế đột phá sáng tạo và khởi nghiệp

(PLO)- Giáo sư Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và từng là Cố vấn Ngoại thương của Chính phủ Pháp.

LTS: Kính thưa quý độc giả! trong buổi họp mặt kiều bào mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019 do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đang triển khai Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh; xây dựng Khu Đô thị sáng tạo tại Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức; ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển… Qua đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn và tin tưởng bà con kiều bào sẽ đóng góp trí tuệ để TP có những giải pháp hiệu quả trong phát triển. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu loạt bài viết ghi nhận những tâm tư, gợi ý chính sách từ các kiều bào trí thức nhằm góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.  

Dịp đầu năm Kỷ Hợi, tôi có dịp trao đổi với Giáo sư (GS) Phan Văn Trường – một trí thức Việt kiều nổi bật từng có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đàm phán quốc tế. Vài năm gần đây, GS Phan Văn Trường càng được nhiều người Việt Nam biết đến thông qua các hoạt động diễn thuyết, tư vấn, hỗ trợ các hoạt động về giáo dục, khởi nghiệp và hội nhập.

Vấn đề mà chúng tôi trao đổi với nhau lần này chính là làm sao để phát huy nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ và năng động của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang diễn ra. Và quan trọng không kém là làm sao để Việt Nam ngày càng có nhiều hơn những đột phá về nông nghiệp lẫn công nghiệp, dựa trên các ưu thế về con người và cơ hội từ quá trình hội nhập.

+ Phóng viên: Thưa ông, cụm từ “công dân toàn cầu” những năm gần đây liên tục xuất hiện ở Việt Nam. Theo ông, hiểu như thế nào cho đúng bản chất và dễ hình dung nhất về khái niệm này khi áp dụng vào thanh niên Việt Nam?

. GS Phan Văn Trường: Ngày nay vẫn còn có nhiều bạn trẻ chưa hiểu rõ khái niệm của cụm từ “công dân toàn cầu”, tuy nhiên số người này càng ngày càng ít đi nhờ vào truyền thông, mạng xã hội đã mang cuộc sống toàn cầu đến gần chúng ta hơn. Hình ảnh của nhiều nơi trên thế giới tràn ngập màn hình, nhờ đó chúng ta hình dung được rõ hơn những người dân nước khác sống ra sao.

Ngoài ra. nước ta cũng đón nhận nhiều khách nước ngoài, từ đó ta thấy họ gần gũi chúng ta hơn. Xa hơn thế, những hình ảnh trên các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với lối sống của mỗi người hơn chúng ta tưởng tượng. Rất khó biết là mình đang ở nước nào khi nhìn cách ăn mặc, cách đối xử,… ngày nay qua những hình ảnh ngoài đường phố. Điều này chứng tỏ có một sự đồng hóa về phong cách sống. Thế rồi các thương hiệu đa quốc gia như McDonald’s hay Starbucks càng làm cho mọi người có cảm tưởng trên toàn địa cầu mọi người đang tự đồng hóa theo một phong cách sống duy nhất.

Thực ra, cụm từ “công dân toàn cầu” chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn thế. Ngày nay, mỗi người phải ý thức được địa cầu là tài sản chung của nhân loại, và mỗi chúng ta có bổn phận phải giữ cho địa cầu sạch, giảm thiểu ô nhiễm, an toàn, dễ sống, thậm chí bảo vệ địa cầu để con cháu chúng ta có được môi sinh tốt hơn chúng ta ngày nay. Chỉ một vài ví dụ rất nhỏ và gần gũi: Công dân toàn cầu không bao giờ ném giấy xuống đất, làm ô uế một dòng sông, không hút thuốc trong thang máy, không ồn ào, kính trọng phụ nữ, nhường chỗ cho người khuyết tật hay cao tuổi,…

Thế rồi mỗi công dân toàn cầu cũng phải tuân thủ một kỷ luật chung, một cách nhìn chung về giáo dục cũng như về tư duy pháp lý; họ cần có một ý niệm giống nhau về cuộc sống văn minh.

Trong địa hạt kinh doanh thì các công dân toàn cầu đã hầu hết chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chung. Chúng ta dùng Bộ luật kinh doanh của Anh để điều hành việc thương thảo giữa những đối tác quốc tế. Không có quy luật nào bắt buộc chuyện đó, nhưng tiếng Anh và Luật Kinh doanh Anh từ nhiều năm nay đã được đánh giá là mang lại cá tính giúp cho những vụ thương thảo dễ nắm bắt nhất cho mọi đối tác từ mọi nước. Cách đây hơn trăm năm, người ta cứ mơ cả thế giới sẽ nói tiếng Esperanto nhưng rồi tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thực dụng nhất.

Cùng đi đôi với ngôn ngữ và hành lang luật pháp, thế giới cũng đã chọn một loại phong cách mà chỉ có công dân toàn cầu có được: cách viết email cho nhau, cách giao lưu, cách thương thảo, cách mời nhau, dần dần đi tới những cách ăn mặc cho những buổi họp chính thức, cách phát biểu trong các hội nghị,…. Những cách thức này, tuy không được viết ra, nhưng được mọi công dân toàn cầu nhìn nhận, lại càng làm cho phong cách “công dân toàn cầu” gần như được mã hóa.

+ Là người giàu kinh nghiệm khi từng làm việc với hàng trăm quốc gia, đồng thời cũng đi khắp mọi miền Việt Nam và làm việc với rất nhiều người trẻ, ông đánh giá như thế nào về điểm mạnh nổi bật và hạn chế lớn nhất của thanh niên Việt Nam trong tư thế hội nhập, nhất là khi so sánh với thanh niên các quốc gia phát triển?

. Người nước ngoài rất kính trọng người Việt chúng ta. Họ ấn tượng với sự ý tứ, giáo dục, tế nhị của phụ nữ Việt; sự nhanh nhẹn, biến báo, lễ độ của phái nam. Tôi đã từng gặp một chủ doanh nghiệp Pháp ở đô thị Lille chỉ muốn mướn người Việt Nam vào làm việc. Người Việt ở nước ngoài số đông gây ấn tượng tốt, tuy vẫn không thể tránh một vài trường hợp tiêu cực hiếm hoi.

Ở trong nước thì hơi khác một chút. Chúng ta có những khuyết điểm tập thể làm hại cho công việc của chính chúng ta. Ví dụ như tư duy làm vội cho xong việc, suy diễn phần nhiều bằng linh tính. Do đó những lý luận của chúng ta dễ đưa đến cảm tính, trong khi đáng lẽ lý trí phải chiếm phần mạch lạc hơn.

Chúng ta là một dân tộc không biết giữ bí mật, đây là một điều tối kỵ trong công việc, nhất là khi làm việc với các công ty nước ngoài. Ở các nước Tây Phương, chuyện gì không liên quan đến bạn thì bạn sẽ không bao giờ nhận được thông tin. Tại các văn phòng trong nước, ai cũng biết hết mọi chuyện, thành thử không khí làm việc mất phần nghiêm túc. Rồi có người can thiệp vào việc không phải của mình. 

Tóm lại, tôi cũng như các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao các cộng sự người Việt Nam, nhất là trong môi trường làm việc ở nước ngoài. Nếu họ làm việc bớt vội vàng, bớt tạm bợ, bớt nói ra nói vào những điều không liên quan đến công việc, nếu lý trí chiếm phần nhiều trong những cuộc đàm thoại công việc thì thật hoàn hảo. Dù vậy nhìn chung, các bạn trẻ Việt Nam rất “có hạng” nếu so sánh với các bạn nước ngoài.

+ Thời gian qua, nhiều bạn trẻ Việt Nam có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của thế giới, như bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rùa biển, phong trào không dùng túi nilong và ống hút nhựa,.... Tuy nhiên, cũng không ít bạn trẻ tỏ ra “vô cảm” hay thờ ơ với các vấn đề chung ngay cả khi họ thuộc nhóm trí thức. Theo quan sát của ông, xu hướng nào trong 2 xu hướng trên đây hiện lấn át hơn, và nguyên nhân vì sao?

. Người Việt chúng ta đã để mất đi một cá tính mà thế hệ xưa còn giữ, ngày nay kém đi nhiều, đó là lý luận hệ thống. Khi lý luận hệ thống thiếu vắng, thì không ai còn cảm nhận được trách nhiệm của mình trong thế giới này nữa. Tôi ném giấy xuống đất thì có sao đâu? Tôi chỉ dùng một túi nilon thì bạn trách gì tôi? Đó là cách nhìn vô cùng sai lầm vì nó không lồng trong một lý luận mang tính hệ thống.

Khi tôi đi nói chuyện tại các trường THPT, tôi xin các bạn học sinh hãy hứa với tôi là mỗi tuần, các em chỉ nhặt cho tôi một giấy rác rồi bỏ vào thùng rác. Em nào cũng bảo dễ, tôi nói thế thì mình làm ngay nhé! Và tôi giải thích cho các em là tôi muốn bẻ gãy tư duy ném rác vô tội vạ của các em. 

Bạn có biết không, tôi đã đi 80 quốc gia, trên thế giới này có nhiều nước đẹp lắm, như Brasil, Pháp, Ý, Canada. Nhưng Việt Nam của chúng ta là một trong những quốc gia đẹp nhất hành tinh. Người nước ngoài cũng nhìn nhận như vậy. Nếu chính chúng ta trân quý đất nước hơn thì Việt Nam còn đẹp hơn nhiều nữa.

Các bạn coi, các nước Ả Rập – từ Nam chí Bắc, từ Đông sang Tây – chỉ toàn cát là cát, không có nước ngọt. Vậy mà họ trân quý đất nước của họ như thế nào. Khác tư duy, khác số phận.

+ Thế giới ngày càng “phẳng” và yêu cầu về việc áp dụng khoa học, công nghệ vào hầu hết các lĩnh vực gần như là bắt buộc. Ông đánh giá như thế nào về khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ vào công việc của các bạn trẻ ngày nay?

. Tôi rất tin tưởng vào khả năng của dân tộc để bắt ngang đi con đường tắt tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tuổi trẻ Việt Nam có thừa khả năng để tiếp cận sớm các công nghệ mới. Ít nhất chúng ta cũng sẽ hơn nhiều quốc gia về mặt này.

Nhưng để làm việc này, tôi khuyên mọi trí thức trong nước cùng bắt tay vào hệ thống cải tiến. Việc này không dễ. Trong nhiều lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, có rất đông trí thức vẫn tưởng mình không liên quan trong khi chính họ là lý do của sự tụt hậu.

Ví dụ, ngành địa ốc là một trong những nguyên nhân lớn của việc giao thông ùn tắc. Họ không hiểu được rằng việc xây dựng công trình có ảnh hưởng đến số lượng xe đi làm, đi chơi hay sao? Nhưng tôi chưa thấy ai chỉ mặt được ngành địa ốc là một nguyên do của ùn tắc giao thông.

Một ví dụ khác là nông nghiệp. Hơn 50 chục triệu nông dân không tìm được đầu ra cho nông sản của họ. Lý do là vì nước chúng ta không có một hệ thống phân phối nông sản quy củ. Bạn hỏi thử xem ai là người mang trách nhiệm? Không ai hết. Trong một nước dài hơn 2000km từ Bắc chí Nam thì lại càng cần có hệ thống phân phối hiệu quả, nếu chúng ta muốn người Nam được thưởng thức vải thiều tươi từ miền Bắc, và ngược lại, người Bắc dễ tìm sầu riêng hoặc trái bơ nõn nà của miền Nam.

Thành thử, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ mang lại nhiều thành quả về hiệu năng, nhưng trước hết chúng ta phải tạo hệ thống tư tưởng và hành động, cũng như hệ thống hạ tầng để cách mạng 4.0 có sân chơi. Không có sân chơi được tổ chức như là một hệ thống thì không có cách mạng công nghệ nào có thể mang lại cái gì đáng kể. 

+ Tố chất “sáng tạo” rất quan trọng, và ông từng nói rằng “Óc sáng tạo là vua của thế giới mới” (báo VNExpress năm 2015). Thanh niên Việt Nam, trong tương quan với yêu cầu của công việc trong giai đoạn hội nhập hiện nay, có thực sự sáng tạo hiệu quả?

. Thanh niên Việt Nam có óc sáng tạo rất phong phú và trong sáng, thật đáng quý! Đây không phải lời nói suông của cá nhân tôi mà cũng là sự đánh giá của biết bao nhiêu công ty nước ngoài, nhất là những công ty IT và công ty chế tạo vũ khí bên Mỹ.

Hệ thống nghiên cứu và phát triển công nghệ ở nước ngoài, nhất là Mỹ, là một hệ thống chặt chẽ. Hễ ai chế tạo ra được cái gì, thì cả hệ thống sẽ được hưởng ngay tất cả kết quả của sự phát minh. Và người sáng tạo cũng được hưởng ngay phần thưởng xứng đáng từ cả hệ thống công nghệ.

Ngay ở đây, chúng ta thấy quốc gia nào không có cả một hệ thống sáng tạo như Silicon Valley sẽ không tạo ra được sự trù phú kinh tế. Nước Pháp chẳng hạn. Người Do Thái đã thành công trong việc tạo nên hệ sinh thái cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ, kể cả cho nông nghiệp.

Vì Việt Nam chúng ta chưa có hệ thống sinh thái cho việc sáng tạo, nên chúng ta có rất ít sáng chế trong nước. Trong khi đó các chuyên gia và nhà khoa học Việt Nam rất được chuộng tại nước ngoài do những phát minh của họ. Ở đây, tôi muốn mọi người chú ý rằng việc trả lương cao cho chuyên viên Việt Nam về nước là một cử chỉ đáng quý, nhưng vẫn chưa quan trọng bằng việc tạo ra hệ sinh thái cho việc phát triển và nghiên cứu.

+ Gắn bó với rất nhiều bạn trẻ ở Việt Nam trong khởi nghiệp, ông đánh giá như thế nào về năng lực của họ trong tương quan với chất lượng khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á và thế giới nói chung?

. Tương lai của các quốc gia tùy thuộc khá nhiều vào các công ty khởi nghiệp trong mọi ngành. Thử tưởng tượng nước Mỹ ngày nay mà không có Microsoft hay Google. Trong nông nghiệp, Việt Nam có khả năng thuộc top 10 thế giới nếu các nhóm nông dân trẻ tuổi được khuyến khích đúng mức. Trong công nghệ và các ngành công nghiệp cũng vậy, tuổi trẻ Việt Nam có rất đông nhân tài.

Tuy nhiên, hệ sinh thái cho việc khởi nghiệp tại nước ta không có. Cả nước chúng ta tham gia vào ngành địa ốc. Tuy nhiên, chúng ta không tham gia vào việc tạo hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ví dụ, trong nông nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp trước hết là một đạo luật về đất đai. Sau đó là hệ thống hành chính và thuế vụ tạo thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp dễ dàng. Một tổ chức toàn quốc để phân phối nông sản cũng vô cùng quan trọng. Rồi cả việc chọn giống một cách hệ thống: giống chăn nuôi, giống lúa, giống cây… Cuối cùng là hệ thống kiểm chứng nông sản, và giám sát việc sử dụng hóa chất; một hệ thống ngân hàng tạo nguồn vốn cho các nông dân trẻ tuổi,… Chúng ta thực ra cũng làm chút ít mỗi thứ nhưng không có hệ thống quy củ và đoàn kết. Các nông dân khởi nghiệp trẻ còn lẻ loi, không biết vịn vào đâu để khởi nghiệp và phát triển.

Về công nghiệp cũng vậy. Chúng ta mua tàu metro, nhưng chúng ta không mua chuyển giao công nghệ. Vậy biết bao giờ chúng ta sẽ có đủ khả năng tự tạo tàu điện ngầm? Tại sao chúng ta không làm được trong khi bao nhiêu quốc gia khác làm được? Đó là vì chúng ta không có tổ chức hệ thống. Người mua tàu metro không liên quan gì với người phát triển công nghệ metro tại nước Việt Nam chúng ta.

Nhìn dưới góc cạnh này, thì nếu chúng ta tiếp tục, chúng ta không có mảy may hy vọng có được bước tiến đột phá trong tương lai, trong khi Việt Nam có đầy nhân tài có nhuệ khí và lý tưởng.

+ Để cải thiện các hạn chế hiện nay của thanh niên Việt Nam, ở góc độ mỗi cá nhân người trẻ, ông có lời khuyên gì với họ?

. Vì không có hệ sinh thái đón nhận họ tại Việt Nam, tôi khuyên các bạn trẻ Việt Nam hãy đi tập sự ở nước ngoài trước khi về nước để cố tạo ra hệ sinh thái cho sự phát triển công nghệ và công nghiệp sau này. Hiện thời trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cũng tham gia vào việc này một cách gián tiếp. Nhưng từ hàng ngũ chúng ta thì chưa thực sự phôi thai.

Đọc thêm