Giao thông TP.HCM hoàn thiện hơn nhờ góp ý của báo chí

(PLO)- Thời gian qua, ngành giao thông TP.HCM đã làm được nhiều cái “lần đầu tiên”, trong đó có sự đóng góp tích cực của truyền thông, báo chí.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-1, Sở GTVT TP.HCM đã có buổi gặp gỡ truyền thông, báo chí nhân dịp giáp tết Quý Mão 2023. Tại đây, lãnh đạo Sở GTVT TP đã đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc phản ánh các vấn đề liên quan đến giao thông, đô thị. Đồng thời nêu ra những điểm nổi bật của ngành giao thông TP trong thời gian qua.

Tiếp thu nhiều phản ánh của báo chí và người dân

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết ngành giao thông luôn nỗ lực tiếp thu, cầu thị các phản ánh từ người dân, báo chí và có những giải pháp hữu hiệu để hoàn thiện hơn.

Năm 2022, TP.HCM đã nỗ lực triển khai giải phóng mặt bằng và cắm ranh mốc mặt bằng cho dự án đường vành đai 3. Ảnh: ĐT

Năm 2022, TP.HCM đã nỗ lực triển khai giải phóng mặt bằng và cắm ranh mốc mặt bằng cho dự án đường vành đai 3. Ảnh: ĐT

Đơn cử, khi Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới đưa vào khai thác, TP cũng rất trăn trở. Đáng lý bến mới này phải đi vào khai thác đồng bộ với metro số 1, đường vành đai 2, Xa lộ Hà Nội… và một số công trình ở khu vực này.

“Tuy nhiên, một số công trình hạ tầng vẫn chậm hơn BXMĐ mới, song cũng không thể để bến này chờ các dự án khác được. Sở cũng đã cân nhắc, so sánh, đánh giá việc đưa vào khai thác hay chờ đợi thêm. Cuối cùng, sở quyết định đưa BXMĐ mới vào khai thác với lộ trình cụ thể” - ông Lâm nhận định.

Ban đầu cũng có những đánh giá tác động chưa đầy đủ, chưa có kịch bản, phương án hỗ trợ để BXMĐ mới phát huy hiệu quả. Ngay sau khi báo chí phản ánh, Sở GTVT TP đã kịp thời điều chỉnh và có giải pháp ngay.

Đồng thời, nhờ sự vào cuộc của báo chí, ngành giao thông TP cũng xây dựng ngay kế hoạch xử lý xe dù, bến cóc và cấm ngay xe khách giường nằm vào nội đô. “Đến nay xe dù, bến cóc đã giảm rất nhiều, đặc biệt là các quận 1, 3 và 5. Đến ngày 10-1, TP triển khai cấm xe khách giường nằm thì xe dù, bến cóc sẽ giảm hơn nữa” - ông Lâm cho biết.

Đặc biệt, báo chí cũng phản ánh về tình trạng “nóng” diễn ra ở sân bay Tân Sơn Nhất. Điều này đã giúp sở theo dõi, tham khảo và có phương án xử lý. Ngay sau đó, TP đã tiến hành tổ chức lại các làn xe công nghệ, taxi và cả làn đường dành cho xe buýt.

Trong năm 2023, Sở GTVT TP sẽ tham mưu UBND TP phát triển nhanh các tuyến metro để tạo thành mạng lưới bên cạnh tuyến metro số 1.

Nhiều cái “lần đầu tiên” của ngành giao thông TP

Ông Trần Quang Lâm cho biết trong năm qua có nhiều cái “lần đầu tiên” ngành giao thông TP thực hiện được. Cụ thể, lần đầu tiên ngành giao thông đóng góp cho ngân sách TP với hơn 1.800 tỉ đồng (tính từ ngày 1-4-2022).

Lần đầu tiên thu phí cảng biển đã được TP triển khai toàn bộ bằng công nghệ, hiện đại và thuận tiện. “Thu phí cảng biển là tiềm năng, cơ hội đổi mới của ngành giao thông… Tất cả đều mong muốn phát triển hạ tầng TP, đáp ứng nhu cầu của người dân và thành công này có sự đóng góp, hỗ trợ nhiệt tình của cơ quan truyền thông” - ông Lâm cho biết.

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM cũng là một công trình ấn tượng, làm việc xuyên tết, xuyên dịch để kịp các thủ tục trình Quốc hội vào tháng 6-2022. Đây là dự án đầu tiên Sở GTVT được giao là đơn vị chủ trì, Ban giao thông làm chủ đầu tư thực hiện triển khai dự án với hơn 75.000 tỉ đồng. Đặc biệt, dự án này được TP.HCM làm chung cho cả các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An...

Nói về xu hướng phát triển giao thông trong thời gian tới, ông Lâm cho biết: “Cần có sự phát triển giao thông công cộng, trong đó năm 2023 phải phát triển mạng lưới luồng tuyến gắn với metro số 1 và chú trọng tới chính sách giá vé”.

Trong năm 2023, Sở GTVT TP sẽ tham mưu UBND TP phát triển nhanh các tuyến metro để tạo thành mạng lưới bên cạnh tuyến metro số 1. Trên cơ sở đó, UBND TP giao Sở QH-KT lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xung quanh nhà ga. Thậm chí, điều chỉnh quy hoạch một số nhà ga để có thể thực hiện theo mô hình TOD nhằm khai thác quỹ đất xung quanh các nhà ga.

Tương tự, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cũng cho biết ngành giao thông cũng đã triển khai thêm nhiều cái “lần đầu tiên” khác. Cụ thể, TP đã bắt đầu hiện thực hóa ba vòng tròn mơ ước gồm các đường vành đai 2, 3 và 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài… Đây là ước mơ của rất nhiều thế hệ công tác trong ngành giao thông TP.

Cũng lần đầu tiên công tác giải phóng mặt bằng ở TP được quan tâm, với lần đầu có lễ bàn giao mặt bằng như cầu Long Kiểng. Năm 2023, nhiều dự án liên quan đến mặt bằng cũng sẽ được triển khai.

TP cũng đã bắt đầu lập lại những đầu bài cho PPP như hai tuyến đường trên cao, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4… Từng bước mở ra đột phá trong cơ chế nguồn lực cho ngành giao thông.•

Nhiều thách thức trong năm 2023

Ông Trần Quang Lâm nhận định: Năm 2023, ngành giao thông TP sẽ có nhiều thách thức trong việc tiếp nhận các chính sách, quan điểm và quy định mới.

Theo đó, nhiệm vụ năm 2023 ngày càng tăng với trọng tâm là giải ngân hơn 23.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến metro số 1; khởi công tuyến metro số 2, dự án đường vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm