Phương án giải cứu kẹt xe sân bay, tiến độ đường vành đai 3, đường xuyên Á, metro số 1… là những vấn đề cử tri TP.HCM quan tâm và yêu cầu ngành giao thông trả lời trước và sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Hoàn thiện cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp...
Cụ thể, kế hoạch giải quyết kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và hoàn thiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là hai trong số những vấn đề quan trọng về giao thông mà cử tri TP quan tâm nhất trong năm nay.
Về giải quyết kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trong báo cáo mới nhất gửi Đoàn ĐBQH TP.HCM và các cơ quan, Sở GTVT TP.HCM cho biết có các giải pháp tổ chức phía trong và ngoài sân bay.
Về phía trong, đến năm 2030, công suất cảng này sẽ được nâng lên thành 50 triệu hành khách/năm với hàng loạt dự án đang được đẩy nhanh tiến độ như mở rộng nhà ga hành khách T1, T2, đầu tư nhà ga T3.
Về phía ngoài, ngành giao thông đã cơ bản hoàn thành một số công trình như xây dựng cầu vượt tại nút giao Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình lợi - Vành đai ngoài. Đồng thời, hoàn thiện cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp và mở rộng đường Hoàng Minh Giám.
Các dự án đang được tiếp tục triển khai để “giải cứu” giao thông khu vực là xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, cải tạo đường Cộng Hòa. Ngoài ra còn có các dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh, Tân Kỳ - Tân Quý, Tân Sơn…
“Sau khi các dự án này hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng khó khăn của giao thông khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất” - Sở GTVT cho hay.
Đối với tiến độ dự án metro số 1, sở này cho biết dự kiến đưa công trình vào vận hành chạy thử kỹ thuật cuối năm 2020 và khai thác vào quý IV-2021.
Đến tháng 3 năm nay, dự án đã hoàn thành khoảng 70,29% khối lượng. Sở GTVT đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu khẩn trương triển khai thi công.
Sở GTVT đã lên nhiều phương án để giải quyết kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HOÀNG GIANG
Sẽ mở rộng quốc lộ 22
Không chỉ giao thông nội đô, cử tri TP cũng yêu cầu Sở GTVT cho biết về tiến độ các công trình giao thông như vành đai 3 qua nhiều tỉnh, đường xuyên Á (còn gọi là quốc lộ 22 đi Hóc Môn - Củ Chi - Tây Ninh, Campuchia).
Theo Sở GTVT, vành đai 3 dài 89,3 km với quy mô 6-8 làn xe cao tốc được chia làm bốn đoạn: Nhơn Trạch - Tân Vạn; Tân Vạn - Mỹ Phước; Bình Chuẩn - quốc lộ 22; quốc lộ 22 - Bến Lức.
Khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với đoạn 1 từ Nhơn Trạch đến Tân Vạn là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm. Trong khi đó, đối với đoạn 3 từ Bình Chuẩn đến quốc lộ 22 và đoạn 4 từ quốc lộ 22 đến Bến Lức chưa được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng chưa có kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Trong cuộc họp mới đây giữa Sở GTVT các tỉnh, thành gồm TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương, các bên đã thống nhất cao kiến nghị cấp thẩm quyền về sự cần thiết và tính cấp bách đầu tư khép kín đường vành đai 3.
Dự án quan trọng khác là đường xuyên Á - quốc lộ 22, cử tri huyện Củ Chi phản ánh đường mới làm nhưng đã xảy ra hiện tượng hư hỏng, xuống cấp. Theo đó, cử tri đề nghị làm rõ trách nhiệm và sớm cho nâng cấp, sửa chữa.
Về vấn đề này, Sở GTVT cho biết dự án này đã được Bộ GTVT đầu tư, thực hiện hoàn thành và bàn giao cho TP quản lý từ năm 2004. Trong năm 2019, ngành đã thực hiện hoàn thành hai công trình cải tạo mở rộng 2 m cho làn xe hai bánh, bổ sung mương thoát nước.
Hiện nay, trên phần làn xe dành cho ô tô tuyến quốc lộ 22 có xuất hiện một số vị trí rạn nứt, nhồi nhựa đã được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho cào nhựa nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Sở GTVT sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời duy tu, sửa hư hỏng phát sinh.
“Ngoài ra, hiện TP đang giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu, lập đề xuất dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 bằng nguồn vốn ngân sách. Đồng thời, cũng kêu gọi xã hội hóa đầu tư để sớm nâng cấp, mở rộng đường này” - Sở GTVT cho biết.
Đề nghị sớm làm cầu Cần Giờ Cử tri huyện Cần Giờ cũng yêu cầu ngành chức năng thông tin về dự án cầu Cần Giờ và đề nghị sớm triển khai dự án này. Theo Sở GTVT, công trình cầu Cần Giờ - Nhà Bè đã được UBND TP.HCM thông qua phương án kiến trúc. Đồng thời Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (chủ đầu tư) đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình các sở, ngành xem xét. Hiện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP đang làm việc với nhà đầu tư để rà soát trình tự thủ tục đầu tư theo chỉ đạo của UBND TP. |