Giao thừa không pháo hoa của hai mẹ con ở viện nhiều hơn nhà

Những ngày cuối năm, những người tha hương lại hối hả trở về nơi chôn nhau cắt rốn, để lại một TP.HCM vắng lặng, khác vẻ tấp nập, nhộn nhịp của ngày thường. Thế nhưng, về nhà ăn Tết đối với một số bé mắc bệnh mãn tính ở Khoa Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 lại là điều xa xỉ.

“Một năm có 12 tháng thì có đến 11 tháng, tôi phải ở viện cùng con”, chị Trần Thị Anh Thư (38 tuổi, quê Đồng Tháp) kể về những lần đưa con vào viện như cơm bữa và cùng con chiến đấu với căn bệnh teo cơ tủy sống ở Khoa Thần kinh BV Nhi đồng 2 một năm qua.

Bé Sang, con chị nay đã 16 tuổi nhưng vì căn bệnh quái ác mà nhìn nhỏ thó như một cậu bé học tiểu học, hai chân teo tóp, phải ngồi xe lăn.

Mẹ con chị Thư và bé Sang đón cái Tết thứ 3 liên tiếp ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: HL

Sang được phát hiện bệnh từ năm một tuổi. Bệnh càng nặng khi phần dưới của em ngày càng teo, thêm vào đó phổi cũng ngày càng xẹp, hô hấp khó khăn. Dù bệnh nhưng Sang rất hiếu học, được mẹ ẵm bồng đến trường học chữ. Thương Sang thiếu hụt tình cảm, chị Thư chần chừ không muốn sinh thêm. Nhiều lần được người thân khuyên nhủ, chị đã thay đổi ý định, sinh thêm cho Sang một em gái.

Tuy nhiên, nỗi đau càng chồng chất khi em gái của Sang cũng có dấu hiệu bệnh tương tự Sang, không thể tự ngồi được, cứ thả ra là ngã. “Dự định mang thai thì cho Sang nghỉ 1, 2 năm rồi đi học lại nhưng bé sau cũng bệnh rồi lo cho em gái nên cũng không đưa Sang đến trường được”, chị Thư kể lý do đành cho Sang nghỉ học từ năm lớp 5.

Khoảng 4 năm nay, sức khỏe Sang yếu nhiều, cơ nuốt và cơ hô hấp ngày càng yếu, phải nhập viện liên tục để phẫu thuật. Chị Thư nhiều lần thắt lòng khi con tìm hiểu thông tin về bệnh của mình và thấy cơ thể suy yếu thì lo sợ và muốn vào viện.

Chị Thư cũng đành phải bỏ bê nhà cửa và con gái 4 tuổi cho ông bà nội ngoại trông giúp vì chồng cũng làm tài xế, thường xuyên vắng nhà. Lâu lâu, chị gửi con ở bệnh viện để tranh thủ chạy về quê tắm cho con.

“Mỗi lần đi ray rứt lắm. Con bé mới 4 tuổi nhưng hiểu chuyện lắm. Nó cứ ước anh hai bớt bệnh để về với con, mẹ đi bệnh viện với anh hai hoài”, chị Thư kể.

Sang cùng các bạn ở chung Khoa Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: HL

Năm nay là cái Tết thứ 3, chị ở viện và đón giao thừa cùng con. Sáng nay, các bé rất háo hức khi được các bác sĩ đến Khoa tặng quà và chúc Tết.

“Hai năm trước, đến giờ giao thừa là cả khoa kéo ra hành lang, chỗ ban công nhìn pháo hoa xa xa lấp ló sau những tán cây me ở bệnh viện cho đỡ buồn. Sau đó, tôi sẽ chụp ảnh, gọi video qua zalo để nói chuyện với hai cha con và hỏi thăm mọi người ở nhà”, chị Thư kể.

Còn đối với Sang, năm mới đến, em chia sẻ mong ước sức khỏe cải thiện, có thể đi đứng được để tự đi làm, nuôi lấy bản thân.

“Tết ai cũng muốn đoàn tụ với gia đình nhưng bệnh con nhiều quá nên phải chịu thôi. Mấy năm mà bệnh không nặng là con được ba chở ra phố ngắm pháo hoa vui lắm”, Sang kể.

Khi hai mẹ con nghe năm nay thành phố sẽ không bắn pháo hoa, hai mẹ con Sang liền tiu nghỉu. “Pháo hoa ở xa lắm, nhìn không rõ đâu nhưng ngắm cũng vui, giờ không bắn nữa thì không biết ngắm gì tôi vẫn chờ đến giao thừa để gọi về nhà chúc Tết”, chị Thủy nói dự định của mình.

Còn Sang suy nghĩ một lúc chợt ngẫm nghĩ ra dịp Noel vừa qua, em được các bác sĩ gói tặng cho một cuốn truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chưa có thời gian mở ra đọc nên Tết này sẽ tranh thủ đọc. Năm mới sắp đến gần, dù không pháo hoa nhưng ắt hẳn ước vọng về một năm mới bình an vẫn sẽ luôn cháy bỏng nơi trái tim của những bệnh nhi hay người thân nơi đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới