Giáo viên mầm non: Lương thấp, làm quần quật

“Trường lớp còn yếu kém, giáo viên (GV) bỏ việc vì công việc vất vả nhưng lương thấp, các KCX-KCN không có nhà giữ trẻ cho công nhân” là những vấn đề được quan tâm tại chương trình Lắng nghe và trao đổi lần 1 với chủ đề Giáo dục mầm non: Thực trạng và giải pháp”. Chương trình do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, làm “chủ xị” và được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình TP.HCM (HTV9) vào sáng 6-11.

Tại chương trình, ông Phan Văn Kèo, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hóc Môn, nêu thực tế: Bậc học mầm non (MN) đang quá tải, không đủ trường lớp cho các cháu, GV bỏ nghề vì lương thấp… Cạnh đó, công nhân không đủ tiền để gửi con trong các cơ sở giáo dục có chất lượng nên phải gửi con cho các nhóm trẻ gia đình tự phát.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết thêm: Năm học vừa qua, khối giáo dục MN của TP có tới 422 cán bộ, GV, công nhân viên bỏ nghề. Có 326 cô giáo tìm việc khác mà nguyên nhân chính là do cường độ lao động cao, lương quá thấp.

“Một mình tôi chăm 40 bé. Tôi phải đến trường từ 6 giờ 30 sáng để vệ sinh lớp học, dạy các cháu, cho các cháu ăn, tranh thủ các cháu đang ngủ để giặt giũ, vệ sinh đồ chơi… Công việc cứ quần quật từ sáng sớm đến chiều tối, nhà có việc cũng không dám nghỉ nhưng lương thì chưa tới 3 triệu đồng/tháng” - cô Nguyễn Thị Bích Liên, GV Trường MN Bé Ngoan quận 8, trải lòng.

Giáo viên trường Mầm non Tân Tạo, TP.HCM sinh hoạt ca hát với các cháu trong giờ học. Ảnh: HTD

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban VHXH - HĐND TP, nhìn nhận: Đúng là lương viên chức, công chức còn thấp, trong đó bao gồm cả đội ngũ GV nói chung và GV MN nói riêng. Họ phải chịu đựng điều này trong thời gian quá dài. Ví dụ, lương GV MN mới ra trường là 2,1 triệu đồng/tháng, đến khi nghỉ hưu họ cũng chỉ nhận tối đa 5,4 triệu đồng. Các chính sách, chế độ như thế này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc GV bỏ nghề. Không phải GV không yêu nghề, yêu trẻ nhưng công việc quá nhiều, thu nhập không đủ sống thì việc họ bỏ nghề là tất yếu.

“Chính phủ cần có chính sách, đề án và triển khai đồng bộ để GV MN thấy họ được quan tâm và có thể sống được với nghề. Nếu không sớm giải quyết vấn đề này, việc thiếu GV sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến đề án phổ cập trẻ năm tuổi. Chăm lo đời sống cho GV tốt thì trẻ sẽ được thụ hưởng giáo dục tốt và công bằng” - ông Hùng kiến nghị.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nêu hướng gỡ: Việc thiếu GV, Sở sẽ xin cơ chế tuyển GV từ UBND TP với các chính sách ưu đãi. Còn việc các trường hiện nay vướng về các khoản thu để chăm sóc trẻ, nâng thu nhập cho GV thì TP cũng đã có cơ chế để nhà trường thỏa thuận với phụ huynh.

Chuyện khó khăn của các GV MN đã được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ có chính sách về lương, chế độ phụ cấp tốt hơn để nâng cao đời sống GV, đặc biệt GV bậc học MN” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, bày tỏ.

Công nhân buộc phải gửi con cho dân

Cả TP có 12 KCX-KCN với hơn 260.000 công nhân. Riêng quận Thủ Đức có 23.000 trẻ con công nhân dưới năm tuổi nhưng phụ huynh không biết gửi con ở đâu. Do không đủ tiền gửi con ở trường ngoài công lập nên công nhân đành gửi con cho dân với mức phí rẻ. Thậm chí, nhiều công nhân cho biết để gửi con ở các nhóm trẻ gia đình có phép, họ phải tốn 700.000-800.000 đồng/cháu/tháng. Số tiền này họ không kham nổi.

ÔngNGUYỄN VĂN BÉ,
Giám đốc Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức

“Lắng nghe và Trao đổi”

Giám sát của nhân dân đảm bảo kết quả đạt tốt nhất

Sau buổi phát sóng trực tiếp chương trình “Lắng nghe và Trao đổi” đầu tiên của HĐND TP khóa VIII, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (ảnh), Chủ tịch HĐND TP, đã trao đổi với báo chí về mục tiêu của chương trình.

. Ở chương trình đầu tiên có một phó chủ tịch UBND TP dự để lắng nghe tình hình và chỉ đạo các giải pháp. Vậy những chương trình sau có duy trì việc này không, thưa bà?

+ Chương trình có tên “Lắng nghe và Trao đổi”, có nghĩa mình nghe rồi bàn luận và đề xuất các giải pháp. Nhưng đó không thể chỉ là những giải pháp chung chung mà phải xác định cách làm như thế nào để giải quyết khó khăn. Như vậy, chủ đề chương trình liên quan đến lĩnh vực nào, ngành chức năng nào thì chúng tôi sẽ mời các đồng chí liên quan tham dự.

Theo tôi, không nhất thiết phải mời lãnh đạo TP thường xuyên tham gia chương trình. Tùy theo chủ đề tháng, tùy theo tính chất, mức độ cần phải giải quyết, HĐND sẽ có cách phối hợp để tổ chức thực hiện cho tốt.

. Trong thực tế có nhiều vấn đề phát sinh được người dân quan tâm. Nếu chương trình được chuẩn bị trước như vậy thì có đảm bảo tính thời sự không?

+ Ở đây chương trình xác định kéo dài, làm xong chủ đề tháng này chúng tôi sẽ dự báo chủ đề tháng sau. Dự báo đó là để chuẩn bị nội dung thông tin cho tốt. Mình có thông tin tốt, cách đặt vấn đề tốt, đi sát với đời sống xã hội thì nội dung chương trình bàn mới sát với thực tiễn. Tất nhiên cũng không loại trừ khi những vấn đề phát sinh có nhiều yếu tố phải bàn thì chúng ta sẽ thay đổi chủ đề.

. Sau mỗi chương trình, HĐND sẽ giám sát như thế nào để những vấn đề và các giải pháp được đưa ra tại diễn đàn đi vào thực tế?

+ Những giải pháp chúng ta bàn ở đây mang tính chất đề xuất, còn nó có đi vào cuộc sống hay không là trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền. Tất nhiên HĐND sẽ có nhật ký chương trình để theo dõi. Sau ba tháng, chúng tôi sẽ rà soát những vấn đề đã nêu, những giải pháp, chỉ đạo đã được đưa ra và kết quả thực hiện. Nhật ký chương trình sẽ được công khai để cử tri nắm. Giám sát của nhân dân mới là giám sát đảm bảo kết quả thực hiện đạt được tốt nhất.

. Xin cảm ơn bà.

NHẪN NAM

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới