Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Đắk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) gặp nhiều khó khăn, vất vả do chưa có cây cầu bắt qua sông Đắk Tờ Kan. Mùa mưa, nông sản cà phê, mì, ngô của 300 hộ dân (với 200 ha đất sản xuất) nằm bên kia sông dường như bị cô lập do mực nước sông lên cao. Việc này không chỉ ảnh hưởng đi lại, mà người dân còn hay bị ép giá, nông sản hư thối.
Hàng trăm hộ dân xã Đắk Rơ Ông mong sớm có cây cầu qua sông. Ảnh: LK. |
Ông Bùi Thế Toàn, Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Ông, cho biết chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất là hai thôn La Giông và Ngọc Năng 1 với 140 hộ, 588 khẩu, nơi đây số hộ nghèo chiếm 40%. Trước đây, huyện có hỗ trợ xã làm cây cầu treo nhưng chỉ phục vụ người đi bộ, xe máy. Còn về mùa mưa, nông sản dường như bị cô lập, không vận chuyển qua sông được.
Thậm chí, mùa mưa to, xã phải cử cán bộ chốt chặn hai bên bờ sông để ngăn không cho người dân đi qua nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều hộ sợ nông sản để lâu hư thối cũng lén liều mình vượt sông.
Mùa khô nhưng con nước nơi đây còn rất mạnh. Ảnh: LK. |
“Từ nhiều năm nay, nguyện vọng của người dân là mong sớm có cây cầu bê tông để thuận tiện đi lại. Thu nhập của bà con ở đây chủ yếu dựa vào nông sản, nếu không bán được thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày. Về lâu dài ảnh hưởng đến việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương”, ông Toàn cho hay.
Chia sẻ về tâm tư của người dân, ông A Phải, trưởng thôn La Giông, nói: “Bà con ở đây chỉ mong mỏi sớm có cây cầu bê tông. Các cuộc họp, tiếp xúc cử tri dân đều ý kiến nhưng đến nay chưa được. Mùa mưa thương lái không đưa xe tải vào mua nông sản được, dân không biết bán cho ai nên hay bị thối lắm. Có khi bị ép giá mua”.
Anh Nguyễn Trường Sang (hộ thu mua nông sản thôn Ngọc Năng 1) cũng bày tỏ: “Lâu nay, đi lại của bà con nơi đây vào mùa mưa khổ lắm. Tôi thu mua nông sản trong này cũng hay bị lỗ do nông sản thối, mùa mưa kéo dài, xe ô tô không vượt sông được”.
Mùa mưa nước ngập, nhiều nông sản dân không bán được bị hư thối. Ảnh: LK |
Theo ông Phạm Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, huyện đã nắm bắt nguyện vọng của người dân nhưng kinh phí xây dựng cầu lớn (hơn 10 tỉ đồng) trong khi nguồn vốn địa phương hạn chế, chưa bố trí được.
“Tu Mơ Rông là huyện nghèo đặc biệt khó khăn, không có vốn xây cầu ở xã Đắk Rơ Ông. Để dân sớm có cây cầu đi lại, vừa qua huyện đã có văn bản đề nghị Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup tài trợ kinh phí xây cầu. Một khi cầu được xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế của người dân, giúp xóa nghèo bền vững”, ông Quang cho biết.