Nắm bắt được nhu cầu, ngày càng có nhiều người chọn hình thức kinh doanh này. Nhiều người khéo tay, chăm chỉ tự làm các loại thực phẩm để bán và có thu nhập khá cao. Khách hàng chủ yếu là dân công sở, những người thường xuyên dùng mạng xã hội.
Một trong những món nhà làm được rao bán online trên MXH. (Ảnh chụp từ facebook một người bán đồ nhà làm).
Tại Đà Nẵng, trên facebook, các group mua bán đồ, Hội các bà mẹ bỉm sữa, sức khỏe gia đình… đều thấy rao bán thực phẩm nhà làm, nhà trồng phục vụ Tết với hình ảnh bắt mắt. Những mặt hàng được rao bán phổ biến nhất là các loại mứt, bánh chưng, chả, bò khô… được quảng cáo không chứa chất bảo quản, nguồn gốc rõ ràng. Giá đa số mặt hàng đều cao hơn ở chợ, siêu thị.
Đơn cử như giò bê Nghệ An (giò me) nhà làm giá 220 ngàn đồng/kg, bánh tét cuộn Trà Vinh 160 ngàn đồng/kg, mứt dừa 210 ngàn đồng/kg… cao hơn hàng cùng loại bán ở chợ, siêu thị từ 5-10%. Mặc dù giá thành nhỉnh hơn, nhưng những thực phẩm này được khá nhiều người ưa chuộng. Họ chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn để được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt.
Gân bò dầm cóc, một trong những món ăn vặt được rao bán trên facebook. (Ảnh từ facebook).
Một tháng trước Tết, chị Trương Thị Loan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bắt đầu rao bán tré và chả nhà làm trên facebook, đảm bảo hàng không chứa hàn the. Ban đầu tưởng chỉ bán cho vui, nhưng nhờ những feedback đầu tiên về sản phẩm của chị mà khách tìm đến ngày càng nhiều. Công việc này đã mang đến một lượng thu nhập kha khá cho chị dịp trước Tết.
“Tết năm ngoái tôi bán được gần 30kg chả và hơn 20kg tré. Năm nay, ngoài tré và chả tôi còn bán thêm khô gà lá chanh, gân bò dầm cóc, lạp xưởng… Hiện đơn đặt hàng của khách khá nhiều, nhất là những ngày giáp Tết như thế này”, chị Loan phấn khích.
Quy trình làm bánh tét cuộn Trà Vinh. Món ăn mới lạ và độc đáo dịp Tết. Ảnh: THANH LY.
Kiểu bán - mua đồ nhà làm chủ yếu trên cơ sở bên bán bên mua tin tưởng lẫn nhau. Bên bán không đưa ra được chứng nhận nguyên liệu hay chứng nhận sản xuất vì quy mô nhỏ, bán chủ yếu qua mạng hoặc qua giới thiệu của người quen. Bên mua sau một vài lần sử dụng cũng nhận xét rằng dù không có nhãn mác, không đăng ký chất lượng nhưng chất lượng ổn nên vẫn lựa chọn.
Bên cạnh những mặt hàng được tin tưởng cũng xuất hiện trường hợp nhiều khách hàng gặp phải trường hợp “treo đầu dê bán thịt chó”. Chị Trần Anh Thư (nhân viên văn phòng) khá bận rộn nên thường xuyên đặt đồ nhà làm qua mạng. Chị Thư chia sẻ : “Lúc lướt facebook tôi có thấy một người bán bò khô dịp Tết, giá cao hơn so với chợ rất nhiều, nhìn màu sắc lúc quay video cũng rất bắt mắt nên đặt. Nhưng khi nhận hàng tôi mới biết đó là thịt heo giả bò khô. Vừa mất tiền mà còn có cảm giác bị lừa”.
Ông Nguyễn Tứ, Phó Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng, cho hay : “Bên cạnh thực phẩm nhà làm có chất lượng thì việc sử dụng các thực phẩm bán trên mạng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao. Những thực phẩm này thường ít được cơ quan chức năng kiểm duyệt về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết hình thức kinh doanh này là tự phát, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm”.
Ông Tứ khuyến cáo, dù được giới thiệu là nhà làm nhưng khi mua hàng, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn các địa chỉ có uy tín. Khi mua hàng phải biết thật chính xác nguồn gốc của thực phẩm đó chứ không chỉ nghe qua quảng cáo.