Ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết như trên tại Diễn đàn kết nối cung cầu nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao 2018 diễn ra tại TP.HCM sáng 20-12. Chương trình do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp tổ chức dưới sự đồng hành của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Sở NN&PTNT TP.HCM.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại của Công ty Kantar Worldpanel Việt Nam, dẫn khảo sát cho thấy trong lĩnh vực bán lẻ, ở Việt Nam đang duy trì mức tăng trưởng khoảng 86% với năng lực mua sắm của các gia đình khoảng 96%.
Với người tiêu dùng, có ba vấn đề được họ ưu tiên hàng đầu: 1/ An toàn thực phẩm; 2/ Sức khỏe; 3/ Các vấn đề về môi trường và dịch bệnh.
Cùng với mức thu nhập ngày càng cao hơn, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu thêm cho các nhu cầu mới. Tuy nhiên, thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn là nguồn chi chính của họ. Trong đó, mức chi tiêu cho nguồn hàng tươi sống cao gấp ba lần đối với các mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Hiện nay, người dân đang bớt dần chi tiêu cho các loại thịt trong bữa ăn và thay vào đó ưu tiên sử dụng các loại trái cây nhiều hơn.
Trong các kênh bán lẻ thì 85% người tiêu dùng ưa thích thực phẩm tươi sống ở các chợ truyền thống, tập trung vào các nguồn thực phẩm như thịt bò, thịt heo, cá, hải sản. Tuy nhiên, kênh siêu thị và đại siêu thị đang có chiều hướng tăng trưởng khá tốt và có nhiều tiềm năng phát triển. Người dân đến siêu thị thường mua trái cây, thực phẩm chế biến sẵn…
Ông Nguyễn Huy Hoàng khẳng định việc sử dụng thịt trắng, trái cây sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc VinaT&T, nhận định Mỹ là quốc gia nhập siêu rau quả lớn nhất thế giới và nhu cầu ngày càng lớn. Tuy nhiên, Mỹ cũng rất khắt khe về chất lượng và yêu cầu quy định luật pháp rõ ràng thông qua các tiêu chuẩn: GMP, ISO, HACCP, an toàn vệ sinh thực phẩm…