Ngày 14-5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Nghị định mới này sẽ thay thế các nghị định về xăng dầu trước đây nên thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp (DN) đến từ mọi miền đất nước.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đang “nằm trên giường bệnh”
Góp ý kiến đầu tiên tại hội thảo, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), đánh giá hiện nay, một lít xăng bán ra đang phải thực hiện quá nhiều mục tiêu. Đơn cử như mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, kinh tế vĩ mô, hài hòa lợi ích các bên...
Từ đó, ông góp ý: “Đề nghị ban soạn thảo những quy định gì quá chung chung thì lược bớt để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Góp ý cụ thể, Phó chủ tịch của VINPA chỉ ra quy định về việc cơ sở kinh doanh xăng dầu, nhân viên kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường. Ông Khanh đề nghị bỏ cụm từ “nhân viên kinh doanh xăng dầu”, vì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư 19/2023 bãi bỏ thông tư 43/2014 hướng dẫn đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu.
Về yêu cầu phải có kho, bể dung tích tối thiểu 2.000m3 thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê với thời hạn từ 5 năm trở lên, ông Khanh cũng đề nghị bỏ vì để xây dựng được kho bể đòi hỏi quỹ đất, tài chính lớn, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo dự thảo, điều 13 quy định thương nhân bán lẻ xăng dầu được thực hiện bán lẻ xăng dầu dưới một trong ba hình thức: nhượng quyền, đại lý bán lẻ, mua xăng dầu để bán lẻ tại hệ thống của mình. Với hình thức thứ ba, ông Khanh đề nghị làm rõ DN có được mua hàng từ nhiều nguồn hay không? Số lượng, chất lượng chịu trách nhiệm thế nào?
Dẫn quy định DN phải gửi thông tin của DN bán lẻ cho đầu mối và thương nhân phân phối, ông Khanh khẳng định, DN sẽ rất vất vả khi phải làm báo cáo trong khi việc này không giải quyết được vấn đề gì vì "một con gà ba ông cùng báo cáo lên, rất trùng lắp".
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai, cũng cho biết trong hai năm qua, nhất là sau thời điểm nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy ở nhiều khu vực, nhiều DN bán lẻ xăng dầu đã phải đóng cửa hàng loạt.
Về lý do, có nhiều nguyên nhân, nhưng ông Phụng cho rằng hiện nay DN đầu mối đang được dành cho quá nhiều “ưu ái”, được nhập khẩu, được mua bán với nhau, được bán cho các đại lý bán lẻ…
“Chúng tôi thấy rằng các DN kinh doanh xăng dầu đang không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường, đặc biệt trong tương quan giữa DN đầu mối, DN phân phối và DN bán lẻ, giữa DN lớn, siêu thống lĩnh thị trường và DN vừa và nhỏ.
Dự thảo Nghị định đang quy định theo hướng bất lợi và triệt tiêu khả năng cạnh tranh công bằng và bình đẳng của các DN nhỏ hơn là DN phân phối và DN bán lẻ” - lãnh đạo Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn cũng cho hay, DN đầu mối đang được trao quyền quá lớn. Trong khi đó, hai năm qua, DN bán lẻ xăng dầu đang phải “nằm trên giường bệnh”. “Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì DN bán lẻ sẽ mất hết sản nghiệp” - ông Phụng nói.
“Giật mình vì không ngờ doanh nghiệp xăng dầu khổ thế”
Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho biết, chưa bao giờ DN khó khăn như bây giờ do các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu. Theo đó, dự thảo nghị định cho đầu mối được mua từ nhiều nguồn nhưng lại chỉ cho thương nhân phân phối được mua từ các đầu mối.
“Vậy chúng tôi cạnh tranh kiểu gì khi chỉ được mua từ đầu mối và mua kiểu gì khi năm 2022 - 2023, các đầu mối không nhập khẩu, chúng tôi gọi điện khắp nơi mà không có nguồn, dẫn đến đứt gãy nguồn cung. Tại sao không cho DN phân phối mua lẫn nhau cũng như mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu” - ông Dũng nêu vấn đề.
Báo cáo góp ý tại hội thảo, Luật sư Nguyễn Tiến Lập đánh giá nội dung dự thảo nghị định trái với nhiều quy định cơ bản của các luật có liên quan như Luật Giá, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, đặc biệt có nhiều quy định can thiệp không hợp lý vào các quan hệ thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN và không bảo đảm xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.
Ví dụ, dự thảo nghị định quy định có tính phân biệt nhiều quyền hơn cho DN đầu mối hay có tính can thiệp và ép buộc liên quan đến quyền tự do kinh doanh, ví dụ như thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các DN đầu mối mà không phải nguồn khác…
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Hiệp hội và một số DN, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ: “Tôi công nhận ngành nghề kinh doanh xăng dầu là có điều kiện, nhưng qua phản ánh của hiệp hội, DN, tôi giật mình, không ngờ các DN khổ thể. Tại sao lại vẽ ra một đống điều kiện như vậy?”.
Từ đó, ông Ánh cho rằng chúng ta phải giảm mức thấp nhất các điều kiện, chỉ giữ lại các điều kiện then chốt và khi ban hành một điều kiện thì phải ban hành luôn quy trình làm thế nào thực hiện được quy trình đó.
Theo ông Ánh, việc xây dựng chính sách cho thị trường xăng dầu chỉ có hai mục tiêu cơ bản. Đó là làm sao đủ xăng dầu, hết sức tránh tình trạng xếp hàng mua xăng dầu như năm 2022. Hai là không bàn chuyện đắt rẻ, cao thấp mà quan trọng là giá hợp lý.
“Tôi thiết tha làm sao đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do mua bán cho người chơi trên thị trường xăng dầu. Về giá, giả sử nhà nước định giá thì không định giá bán lẻ mà định giá bán buôn. Chúng ta hãy học Ngân hàng Nhà nước, cách đây 10 năm, Ngân hàng Nhà nước không công bố tỉ giá hối đoái mua bán trên thị trường mà chỉ công bố tỉ giá hối đoái tham chiếu và cho thị trường biên độ giao dịch. Xăng dầu cũng nên áp dụng như vậy” - ông Ánh kiến nghị.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, cơ quan quản lý sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến. Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước bày tỏ cơ quan soạn thảo mong muốn nghe được nhiều ý kiến đa chiều, thậm chí trái chiều để xây dựng nghị định tốt nhất. Mục tiêu dự thảo muốn giảm bớt đa mục tiêu trong quản lý, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hài hoà lợi ích của các bên…
Đề xuất xây dựng Luật về xăng dầu thay cho Nghị định
Tại hội thảo, ý kiến của một số DN xăng dầu, khách mời kiến nghị: Nếu quan điểm của Chính phủ trong tình hình mới coi kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực đặc thù và đặc biệt cả về tầm chính sách và pháp luật thì nên tạm dừng việc soạn thảo Nghị định để đề xuất Quốc hội cho xây dựng luật thay cho Nghị định.