Ngày 30-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết việc yêu cầu người dân đổi giấy phép lái xe hiện hành sang vật liệu PET nhằm mục đích chống làm giả và nhằm nâng cao chất lượng quản lý và đào tạo sát hạch. “Vật liệu PET có chữ in chìm bảo mật nên lực lượng chức năng dễ dàng phát hiện thật, giả. Còn trước đây việc sử dụng giấy phép lái xe bằng giấy, rất dễ làm giả trong khi các cơ quan chức năng không thể phân biệt được…” - ông Huyện giải thích.
Quy định không đổi giấy phép lái xe phải sát hạch lại lý thuyết sẽ được bỏ trong thông tư tới. Ảnh: VIẾT LONG
Ông Huyện cũng khẳng định sau khi có quy định đổi giấy phép lái xe từ giấy sang PET đối với phương tiện ô tô, người dân đã thực hiện, đến nay chỉ còn 5,6% người dân chưa thực hiện việc chuyển đổi. Như vậy, cơ bản bằng ô tô đã chuyển đổi xong. Còn việc đổi bằng xe máy đến ngày 31-12-2020, như vậy việc chuyển đổi này còn khá dài, người dân không nên hiểu nhầm. "Người dân có giấy phép lái xe còn hạn vẫn được sử dụng bình thường, không có chuyện bị xử phạt nhưng chúng tôi khuyến khích đổi khi giấy phép lái xe hết hạn để đồng bộ với hệ thống quản lý, chống việc làm bằng giả...” - ông Huyện nói.
Ông Huyện cũng cho biết thêm đối với quy định buộc sát hạch lại lý thuyết đối với những người không chịu đi đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET theo lộ trình sẽ được sửa đổi: “Tháng 12-2016, Bộ GTVT sẽ ban hành một thông tư sửa đổi Thông tư 58, trong đó sẽ bỏ quy định trên. Tuy nhiên, quy định tại Điều 57 về lộ trình đổi giấy phép lái xe bằng vật liệu PET vẫn giữ nguyên” - ông Huyện khẳng định.
Cùng ngày, Vụ Pháp chế, Bộ GTVT cho biết chưa nhận được văn bản chính thức từ Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, sau khi nhận văn bản, được lãnh đạo Bộ GTVT phân công thì đơn vị sẽ thực hiện theo quy định về kiểm tra văn bản.
Như đã đưa tin, cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có văn bản thông báo kết luận việc kiểm tra Thông tư 58/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị Bộ GTVT xem xét bãi bỏ nội dung quy định trái pháp luật tại Điều 57, rà soát quá trình thực hiện quy định này để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có). Cục cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật và thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục.