Ở các tổ chức hành nghề công chứng: 44 vụ. Các cơ quan công an nhận 67 tin báo, trong đó có 38 vụ đúng là giấy giả… Có điều là ngoại trừ 15 vụ đã bị Sở Tư pháp xử phạt hành chính, các vụ khác được công an làm rõ thế nào, có bao nhiêu vụ đã xử lý hình sự từ hồ sơ do các cơ quan công chứng chuyển sang thì hiện chưa rõ.
Đáng lưu ý là hội nghị bàn việc phòng, chống nạn giả mạo trong công chứng, chứng thực do Sở Tư pháp tổ chức vào ngày 19-12, đại diện hai cơ quan công chứng, công an cùng nêu khó và kèm theo đó là sự chưa hài lòng về nhau. Với công chứng là khó phát hiện nhưng công an lại ơ hờ trừng trị. Với công an là khó xử lý, vậy mà công chứng viên (CCV) lại bất cẩn ngăn chặn.
Phải nói ngay là có rất nhiều trường hợp CCV không thể nhận ra giấy giả. Bởi lẽ càng ngày nạn giả giấy, giả người càng tinh vi mà các CCV thì không có đủ thông tin, điều kiện về máy móc, công nghệ để kiểm tra, xác tín. Thế nhưng có phải các vụ giả mạo được “qua phà” đều xuất phát từ lý do này hay trong số đó cũng có vụ vì sức ép cạnh tranh hoặc hạn chế về nghiệp vụ mà CCV đã thiếu cảnh giác, thiếu kỹ năng rà soát văn bản tài liệu, so sánh dấu vân tay… như nhận xét của công an?
Ở một số vụ giả mạo được nhiều CCV kỳ công lật tẩy, có phải tất cả đều không được công an địa phương mặn mà hay trong số đó cũng có vụ CCV chưa thu thập đủ thông tin cần thiết ban đầu hoặc chưa lấy dấu vân tay, ghi nhận hình ảnh nhận dạng… nhằm giúp công an sớm củng cố tài liệu, chứng cứ, xác định được người thực hiện hành vi sai phạm để trừng trị tương thích?
Lại nữa, trong các vụ được các đơn vị công chứng cho là “rõ ràng có dấu hiệu phạm tội” nhưng công an thì ra thông báo cho biết “chỉ là dân sự”, các CCV có đấu đến cùng bằng cách khiếu nại để buộc VKS vào cuộc hay chỉ ấm ức không đồng ý khiến trắng, đen đã không được phân định?
Về phía công an, có hai tội danh cần được xem xét đến trong nạn giả mạo khi công chứng là “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo giải thích của công an thì không phải lực lượng này không chịu làm mà là “làm không ra” hoặc “làm không được”.
Trong “làm không ra”, ngoài những hạn chế kể trên của các CCV, thử hỏi nhiều công an phường, quận có chủ động hợp tác, hướng dẫn CCV tham gia truy bắt tội phạm hay vì xem nhẹ vấn đề hoặc bị áp lực bởi những chi tiêu thi đua mà trễ nải khiến kẻ gian nhanh chân tẩu thoát? Rồi trong “làm không được”, đúng là có không ít trường hợp đã khởi tố vụ án nhưng vì không bắt được thủ phạm nên phải tạm đình chỉ điều tra. Song với một số vụ được xếp lại, có chắc là điều tra viên đã nhận thức và áp dụng pháp luật đúng? Khi các vụ giả mạo có chiều hướng gia tăng đe dọa gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội, liệu có thể yên tâm là không có việc tội phạm bị bỏ lọt và đang nhởn nhơ?
“Người yêu cầu công chứng phải… chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng đó”. Khi các cá nhân cố tình gian dối nên rất khó nhận biết được thực hư, CCV thường tựa vào quy định trên của Luật Công chứng để cho rằng mình không có lỗi để phải chịu trách nhiệm. Song những nạn nhân của nạn giả mạo không dễ dàng chấp nhận sự vô can ở những người luôn được tin cậy là “thẩm phán phòng ngừa”. Công an lẫn tòa án cũng có chung đòi hỏi này.
Nhất định chính quyền phải có giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu nạn giả mạo. Việc xây dựng những cơ sở dữ liệu thông tin về nhà, đất để nhiều cơ quan liên thông sử dụng chung là rất cấp thiết. Cùng với đó, những thiếu sót có liên quan phải được các cơ quan công chứng, công an nỗ lực khắc phục để nạn giả mạo không còn nhiều cơ hội gieo rắc những phập phồng, bất an cho các hoạt động, giao dịch về tài sản.