Những người dân khu vực gần chùa Long Thạnh (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, Long An) đã khá quen thuộc với tiếng nói cười xôn xao của các em học sinh Trường Tiểu học - THCS - THPT Bồ Đề Phương Duy.
Ngôi trường khá đặc biệt khi quy tụ hơn 200 học sinh có hoàn cảnh khó khăn như trẻ mồ côi, cha mẹ ly hôn, gia đình nghèo...
Nghỉ hưu không nghỉ việc
Cô Huỳnh Thị Thu Loan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết Trường Bồ Đề Phương Duy có tiền thân là mái ấm Kim Chi do thượng tọa Thích Quảng Tâm (trụ trì chùa Long Thạnh, thị trấn Thủ Thừa) cùng các mạnh thường quân thành lập vào năm 1990. Ban đầu, mái ấm nằm bên cạnh khuôn viên chùa là khu nội trú cho các em cơ nhỡ ở và theo học các trường lân cận trong vùng. Đến năm 2012, để tạo điều kiện thuận tiện cho học sinh theo học tại chỗ, Trường Bồ Đề Phương Duy chính thức thành lập.
Các cựu học sinh trở về trường chúc mừng những người đã cưu mang, dạy dỗ mình nhân dịp 20-11 năm nay. Ảnh: HUỲNH DU |
Theo cô Loan, hiện trường có 12 lớp, chia đều từ khối lớp 1 đến lớp 12. Tất cả đều được miễn toàn bộ chi phí học tập, sách vở, đồng phục và ăn ở tại trường. Năm học 2022-2023, trường có 160 em với 15 phòng học.
Trong năm học 2022-2023, Trường Bồ Đề Phương Duy tiếp tục đón thêm 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến học tập tại trường, trong đó có những em phải mồ côi cha mẹ trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Thượng tọa THÍCH QUẢNG TÂM
Lực lượng giáo viên tại trường đa số đã về hưu và sinh sống trên địa bàn huyện Thủ Thừa, tự nguyện tham gia giảng dạy, không nhận lương.
“Hiện tại, trong số 60 cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường thì có đến 34 giáo viên đã nghỉ hưu vẫn miệt mài đem con chữ đến cho các em học trò khó khăn, bất hạnh” - cô Loan chia sẻ.
Các cô giáo tại trường Bồ Đề Phương Duy làm bánh để tặng cho các em đón trung thu năm học 2022-2023. Ảnh:HUỲNH DU |
Theo cô Loan, các giáo viên về hưu rất tận tâm chăm sóc học sinh tại đây. Hằng ngày, không chỉ dạy con chữ, các thầy cô còn dành thời gian ở lại may vá quần áo để các em có quần áo lành lặn đi học. Lên lớp, dù đã hết giờ nhưng các thầy cô vẫn ở lại để dạy thêm và làm những bài tập mẫu để bồi dưỡng kiến thức cho các em. “Tôi thấy tất cả thầy cô đến đây đều bằng cái tâm của mình đối với các em” - cô Loan nói.
Các em học sinh cấp I được nuôi dạy tại Trường Bồ Đề Phương Duy. Ảnh: HUỲNH DU |
Cô Đặng Xuân Đào, giáo viên dạy văn về hưu, chia sẻ: “Chúng tôi đến đây không phải vì tiền mà vì nhiệt huyết, muốn đem không những kiến thức mà còn kỹ năng sống truyền cho các em. Bởi các em vốn có nhiều thiệt thòi, không bằng cuộc sống của những bạn khác bên ngoài”.
Vui mừng khi học trò thành công
Ngoài khu vực dạy học, Trường Bồ Đề Phương Duy có khu nhà ở khang trang, ngăn cách nam nữ với nhau và khu nhà ăn rộng thoáng mát vừa là nơi tổ chức sinh hoạt tập thể. Ngoài ra, trường còn có sân bóng đá mini, thư viện với những phương tiện nghe nhìn căn bản. Nhờ vậy, các em không có cảm giác tù túng, có điều kiện vui chơi, hoạt động thể thao để không bị ức chế tâm lý.
Cô Huỳnh Thị Thu Loan, hiệu trưởng Trường Bồ Đề Phương Duy vui cùng các em nhỏ trong dịp Tết trung thu. Ảnh: CTV |
Em Nguyễn Thị Kim Thoa, học sinh lớp 12, cho biết: “Các thầy cô chăm chút từng li từng tí và dạy từ cái nhỏ tới cái lớn cho chúng em, như là hỏi thăm chúng em có tiếp thu bài được hay không rồi lo cả việc ăn uống, sinh hoạt thường ngày cho chúng em. Các thầy cô về hưu đã lớn tuổi nên có rất nhiều kinh nghiệm về cuộc sống xã hội, nên ngoài việc truyền dạy kiến thức còn kết hợp dạy cho chúng em về kỹ năng sống, cần tránh những tệ nạn xã hội bên ngoài để sau này ra đời không bị rủ rê, cám dỗ, trở thành công dân có ích”.
Các em vui vẻ bên phần cơm hằng ngày tại mái ấm. Ảnh: HUỲNH DU |
Nhiều học sinh đã theo học và trưởng thành từ chính mái trường này đã quay lại để nói lời tri ân. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, em Nguyễn Đoàn Liên Quỳnh, niên khóa 2013-2016, hiện là nhân viên marketing ở TP.HCM, bày tỏ: “Em rất biết ơn thầy cô và thầy trụ trì. Gia đình em khó khăn, bà ngoại em gửi em vào đây để được đi học, nhờ sự cưu mang, dạy dỗ, em mới được như ngày hôm nay. Các thầy cô dù lớn tuổi, về hưu nhưng đã cống hiến cho tụi em rất nhiều. Các thầy cô thường xuyên ôn bài, tổ chức cho chúng em ôn tập sau giờ học, dạy dỗ chúng em lời ăn tiếng nói, cách tiếp xúc xã hội bên ngoài như những đứa con ruột của mình”.
Em Liên Quỳnh đại diện cho gần 100 bạn từng học ở ngôi trường Bồ Đề Phương Duy phát biểu chúc mừng thầy cô dịp 20-11. Ảnh: HUỲNH DU |
Những tâm sự trong ngày trở về của Quỳnh đã làm các thầy cô bật khóc. Cô Nguyễn Thị Hải, cũng là giáo viên về hưu, xúc động nói: “Dạy ở ngôi trường này, các thầy cô trong ngày 20-11 không mong có hoa và quà, chỉ mong các em từng học trở về và chia sẻ những thành công mà các em đạt được. Đây là món quà ý nghĩa nhất của chúng tôi”.
Cô Nguyễn Thị Hải xúc động vui mừng khi các học trò mình đã dạy dỗ nay thành công. Ảnh: HUỲNH DU |
Những cựu nhà giáo nghỉ hưu mà không nghỉ làm nghề. Họ đã và đang góp công sức, trí tuệ của mình vào sự phát triển chung của địa phương.
Mong cộng đồng tiếp tục đồng hành, tiếp sức cho các em
Thượng tọa Thích Quảng Tâm, Chủ tịch HĐQT của Trường Bồ Đề Phương Duy, cho biết: “Trong nhiều năm học qua, đã có nhiều mạnh thường quân vận động giúp đỡ về cơ sở vật chất, phương tiện học tập, nhờ vậy thầy trò luôn cố gắng đạt kết quả cao về học tập và rèn luyện. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100% chín năm liền. 10 năm thành lập và phát triển là một quá trình mà tập thể nhà trường luôn cố gắng để hoàn thiện hơn mỗi ngày”.
Theo thượng tọa Thích Quảng Tâm, học sinh Trường Bồ Đề Phương Duy ngoài học chính khóa theo cơ cấu tổ chức như những trường học khác, các em tại đây còn được học Anh văn và vi tính ngay từ lớp 1. Các em cũng được dạy đàn, hát, võ thuật và múa lân để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa hoàn thiện bản thân, gắn kết gần gũi bạn bè.
Được biết hiện tại nhà trường vẫn tiếp tục tài trợ cho 14 em vừa tốt nghiệp THPT, hiện theo học đại học, cao đẳng tại TP.HCM.