Giết người nhưng từng bị tâm thần thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

(PLO)-  Theo luật sư, thời điểm xảy ra án mạng, người gây án không bị mất năng lực làm chủ hành vi… thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 25-11, trên phố Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội xảy ra một vụ giết người, nạn nhân được xác định là bà HTH (51 tuổi).

Thời điểm xảy ra sự việc, bà H đang ngồi bán nước trên vỉa hè trước cửa nhà thì bất ngờ bị một nam giới dùng dao đâm vào vùng cổ, khiến bà nằm gục tại chỗ và tử vong.

Từ mâu thuẫn nhỏ nhiều năm trước

Ngay sau khi gây án, nghi phạm vứt con dao còn dính máu ở cạnh chậu cây cảnh rồi nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường. Qua rà soát, cơ quan công an xác định nghi phạm gây án là Hoàng Ngọc Chiến (37 tuổi), trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội. Chiến sau đó đã bị bắt giữ khi đang lẩn trốn trong nhà một người quen tại quê nhà ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Ngày 30-11, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã khởi tố bị can, tạm giam Hoàng Ngọc Chiến về hành vi giết người.

Tại cơ quan công an, Chiến khai nhận trước đây từng sống cùng gia đình ở ngõ 29 phố Thụy Khuê. Năm 2017, Chiến nghi ngờ bà HTH chỉ đạo một người cháu ruột của bà đập cửa kính nhà mình nên Chiến bực tức lên kế hoạch giết bà này để trả thù.

Thông tin từ gia đình nghi phạm cho hay, Chiến có tiền sử bệnh tâm thần và từng phải điều trị tại bệnh viện, có bệnh án.

Bị can Hoàng Ngọc Chiến thời điểm bị bắt. Ảnh: CTV

Bị can Hoàng Ngọc Chiến thời điểm bị bắt. Ảnh: CTV

Dù vậy, phía gia đình bà H cho rằng, Hoàng Ngọc Chiến ở thời điểm gây án không hề bị tâm thần, hoàn toàn tỉnh táo và ý thức được hành vi của mình. Trước đó, chỉ vì những chuyện vặt từ nhiều năm về trước, khiến người này ôm thù hận trong lòng và từng nhiều lần truy sát, đuổi chém gây thương tích cho những người trong gia đình bà H.

Gần đây nhất, trước khi vụ án mạng xảy ra, Hoàng Ngọc Chiến đã từng tìm tới nhà riêng của nạn nhân HTH và có hành vi gây rối, huỷ hoại tài sản tại đây. Người nhà bà H cho rằng, khi giết bà H, Chiến đã có kế hoạch từ trước.

Vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, để xác định Hoàng Ngọc Chiến có bị tâm thần hay không, cơ quan điều tra sẽ thu thập hồ sơ bệnh án của người này và có thể trưng cầu giám định để xác định năng lực hành vi của Chiến khi thực hiện hành vi phạm tội.

Theo luật sư Cường, pháp luật hình sự quy định người mắc bệnh tâm thần hoặc mất khả năng nhận thức mà thực hiện hành vi giết người sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn trường hợp đối tượng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được xem xét giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.

Nếu kết quả giám định cho thấy nghi phạm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì các cơ quan chức năng (VKSND hoặc tòa án) sẽ căn cứ vào kết quả này, đưa nghi phạm vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.

Trong trường hợp Hoàng Ngọc Chiến không bị mất năng lực làm chủ hành vi, có khả năng nhận thức, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng về tội giết người theo Điều 123 BLHS.

Nếu bị xử lý về tội giết người và nguyên nhân được xác định là do mâu thuẫn nhỏ nhặt từ nhiều năm trước, bị can Hoàng Ngọc Chiến có thể bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là vì động cơ đê hèn. Khung hình phạt tù có thể có lên tới 20 năm, hoặc tù chung thân, tử hình.

Trường hợp người gây án mắc bệnh tâm thần, đã điều trị hoặc đang điều trị bệnh, nhưng tại thời điểm phạm tội lại hoàn toàn bình thường, có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp này, Tòa án có thể quyết định đưa đối tượng vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, đối tượng vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Còn nếu tại thời điểm gây án, nghi phạm bị bệnh tâm thần nhưng không mất hẳn khả năng làm chủ hành vi, thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình, nhưng có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm