Tòa án Tối cao Thái Lan sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng liên quan tới vụ án trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỉ USD cho chính phủ do bà Yingluck khởi xướng khi còn là thủ tướng.
“Tôi muốn những người quan tâm và ủng hộ tôi không tới tòa án vào ngày mai mà hãy theo dõi phiên tòa tại nhà để tránh các vấn đề không mong muốn do những cá nhân có ý định xấu nhắm tới” - bà Yingluck đăng trên tài khoản Facebook hôm 24-8. Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia Thái Lan (NCPO) ước tính khoảng 2.000-3.000 người ủng hộ bà Yingluck sẽ tụ tập ở khu vực phía trước tòa án vào hôm nay để theo dõi phiên tòa. Khoảng 4.000 cảnh sát sẽ được điều động tới bảo vệ trật tự tại phiên tòa, theo tờ The Nation.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cùng những người ủng hộ. Ảnh: BANGKOK POST
Bà Yingluck bị cáo buộc xao lãng nhiệm vụ trong quản lý, giám sát chương trình trợ giá gạo dẫn tới tình trạng tham nhũng và thất thoát hàng tỉ USD cho chính phủ khi còn làm thủ tướng Thái Lan. Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể đối mặt với án tù 10 năm và bị cấm tham gia hoạt động chính trị cả đời theo hiến pháp mới do chính quyền quân sự soạn thảo.
Theo tờ Bangkok Post, có ba kịch bản có khả năng diễn ra vào ngày Tòa án Tối cao Thái Lan ra phán quyết. Thứ nhất, bà Yingluck bị bỏ tù. Thứ hai, cựu thủ tướng nhận án tù treo. Thứ ba, trong trường hợp phán quyết không kết tội bà Yingluck, vụ án sẽ bị hủy. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kịch bản thứ ba ít có khả năng xảy ra. Theo họ, án treo sẽ là quyết định thích hợp nhất vì nó thể hiện nỗ lực của chính phủ trong việc củng cố hòa giải quốc gia, bất chấp các đối thủ của đảng Pheu Thai và những vấn đề xoay quanh bà Yingluck.
Cảnh sát lo ngại nếu cựu thủ tướng nhận án tù, động thái có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình và bạo động. Nếu bị kết tội, bà Yingluck và các công tố viên có thể kháng cáo trong vòng 30 ngày kể từ ngày phán quyết được đưa ra. Giới chuyên gia nhận định trong trường hợp bà Yingluck nhận án tù, phán quyết có thể càng khiến người dân khu vực miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan đồng cảm với gia đình Shinawatra và củng cố đáng kể sự ủng hộ của hai khu vực này dành cho đảng Pheu Thai của bà Yingluck.
Chương trình trợ giá gạo là nội dung chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck - vốn đã giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi năm 2011. Theo chương trình này, chính phủ Thái Lan mua gạo của nông dân với giá gấp đôi giá thị trường. Nữ cựu thủ tướng đầu tiên của xứ chùa vàng đã bác bỏ các cáo buộc sai phạm và cho biết bà là “nạn nhân của một trò chơi chính trị”.