Giờ dạy văn sáng tạo của thầy giáo ‘soái ca’

Lâu nay thầy trở thành thần tượng, thành “thầy giáo soái ca” trong mắt đám học trò tuổi ô mai.

Dạy văn qua hình thức họp báo, chiếu phim, thuyết trình, dã ngoại… là những cách “lạ đời” để thầy Đỗ Đức Anh (Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM) xóa tan sự nhàm chán trong tiết học và đánh thức tình yêu văn chương hồn nhiên của học trò.

Học sinh ngồi với ngọn đèn dầu để cảm người chinh phụ

Có mặt trong hai tiết dạy văn ở lớp 10A9 của thầy Đức Anh, chúng tôi mới nhận thấy giờ dạy văn của thầy thật khác biệt. Thay vì giáo viên đứng giảng bài, học sinh (HS) ghi chép theo khuôn mẫu thì thầy Đức Anh giao toàn quyền cho HS. Các em làm chủ bục giảng và thuyết trình về đề tài, còn thầy chỉ là một giám khảo, ngồi cuối lớp lắng nghe học trò trình bày đề tài và đưa ra nhận xét. Mỗi HS tự chọn đề tài tùy thích, chẳng hạn niềm cảm hứng bóng đá từ cầu thủ Việt Nam, hài nhảm hay bảo vệ môi trường… Dù góc khai thác khác nhau nhưng cả lớp hòa trong bầu không gian bàn luận sôi nổi, hăng say.

Lê Hoàng Duy, HS của lớp này, hào hứng kể: “Bình thường các giáo viên khác dạy trong sách giáo khoa là chủ yếu nhưng thầy Đức Anh nghiêng về thực tế nhiều hơn. Thầy kể cho tụi em những câu chuyện về cuộc sống để em dễ hiểu bài. Vì thế với em, môn văn là môn học vui nhất trong tất cả các môn”.

Chia sẻ về công việc của mình, thầy Đức Anh tâm sự: “Với môn văn, tôi nghĩ rằng làm cho học trò cảm thấy không buồn ngủ trong tiết học đã là thành công chứ không cần đạt được đến sự háo hức, trông chờ. Tôi phải sáng tạo trong cách thể hiện, trau chuốt trong nội dung, tiến hành nhiều dự án thực tế để kích thích học trò, khiến học trò thấy văn chính là cuộc sống. Chẳng hạn, thay vì bản thân giảng dạy tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa thì tôi lại tổ chức buổi họp báo ra mắt phim Biển động chuyển thể từ tác phẩm trên. Hay với tác phẩm Chinh phụ ngâm, nếu dạy theo cách truyền thống sẽ rất nhàm chán nên tôi đã thực hiện dự án Kiếp đá để nói về người phụ nữ chờ chồng đến mức hóa đá. Sáng tạo hơn, thay vì ngồi dưới đèn điện ghi chép bài, HS chỉ cần lắng nghe và đặt cảm xúc vào ngọn đèn dầu giữa lớp học để hiểu rõ nỗi nhớ nhung sầu muộn của người chinh phụ”.

Thầy Đỗ Đức Anh (giữa) trở thành thần tượng gần gũi bởi cái tâm và cái tài truyền tình yêu văn chương đến học trò. Ảnh: N.QUYÊN - T.TRÚC

Nổi như cồn trên mạng xã hội với học sinh cả nước

Ngoài đứng trên bục giảng, thầy Đức Anh còn là thầy giáo được nhiều HS yêu quý và theo dõi trên mạng xã hội. Bởi hai năm gần đây, cứ gần đến mùa thi, dù công việc giảng dạy bận rộn nhưng thầy đều dành buổi tối livestream các bài học để hướng dẫn học trò mọi miền ôn thi.

“Biết tôi dạy văn nên nhiều học trò ở Cà Mau, Lạng Sơn, Hà Nội nhắn tin hỏi bài. Có những hôm đi dạy về rất mệt nhưng tôi vẫn dành thời gian chia sẻ vì tôi biết nhiều học trò đang chờ mình. Vì sự chờ đợi đó mà tôi luôn dặn bản thân phải cố gắng” - thầy Đức Anh tâm sự.

Không chỉ là một giáo viên giỏi, thầy Đức Anh còn là một người rất tâm lý. Vì thế, thầy luôn nhận được tình yêu thương, sự tôn trọng, ngưỡng mộ từ chính học trò của mình.

Nam sinh Phạm Minh Khôi cho biết thầy Đức Anh giống như một người bạn lớn của cả lớp. “Hồi cả lớp đi du lịch ở Phan Thiết, buổi tối thầy không ngủ phòng riêng mà ngủ cùng chúng em, cùng chơi các trò chơi. Ngoài ra, thầy còn là “quân sư” tư vấn cho những mối tình lứa tuổi học trò. Được thầy lắng nghe, hiểu và thông cảm cho nên hễ có chuyện gì chúng em cũng đều gặp thầy để được tư vấn. Thêm nữa, lớp có một nhóm trò chuyện trên Zalo để thầy cùng các phụ huynh và HS trong nhóm chia sẻ, cập nhật thông tin liên tục về môn học” - Minh Khôi chia sẻ.

Như thế, không chỉ HS mà các phụ huynh của lớp cũng có tình cảm đặc biệt với thầy chủ nhiệm. Mẹ của nữ sinh Mỹ Linh cho hay: “Dù còn trẻ nhưng thầy rất chuẩn mực, nghiêm túc, chín chắn và hiểu tâm lý HS. Khi các con gặp những vấn đề rối rắm, thầy sẽ lắng nghe và trò chuyện lại với chúng tôi để tìm ra hướng xử lý và quan tâm kịp thời đến các con”.

Nói về công tác chủ nhiệm, thầy Đức Anh bày tỏ: “Khi nhận lớp tôi thường nói với học trò: “Các lớp thầy chủ nhiệm, các anh chị đều ngoan, không phải bởi thầy dữ hay các anh chị sợ thầy mà vì các anh chị quý thầy, thương thầy. Các anh chị sợ thầy bị mắng vốn, bị khiển trách này kia nên ngoan”. Tôi muốn tác động vào tình cảm của các em thay vì nội quy, kỷ luật trong thế giới học đường. Tôi dùng sự chân thành để đối xử với các em”.

Tay không, rút ruột bước lên “sân khấu”

Chia sẻ về kinh nghiệm đứng trên bục giảng của mình, thầy Đức Anh cho biết: “Tôi cho rằng người thầy cần bước lên bục giảng trong nhiều vai trò: vừa là đạo diễn, biên kịch, diễn viên, MC... mà không cần mang theo gì cả. Như vậy, học trò sẽ nghĩ rằng thầy vững vàng lắm mới có thể tay không, rút ruột ra mà giảng, còn bản thân người thầy muốn được như thế thì chuyên môn phải thật vững vàng, mọi thứ phải nằm trong đầu”.

Người thầy giỏi gây thích thú học văn

Về công tác chuyên môn, thầy Đức Anh luôn sáng tạo, đưa những phương pháp mới vào giảng dạy để gây thích thú cho học trò. Đó là cách học văn thiết thực, gắn liền môn học với cuộc sống. Đối với học trò, thầy luôn gần gũi và hiểu tâm lý của các em. HS rất quý mến thầy. Còn đối với đồng nghiệp, thầy cởi mở, thân thiện và sẵn sàng hỗ trợ mọi người.

Thầy NGUYỄN DUY TÂMPhó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm