Theo Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong được Quốc hội Mỹ thông qua tháng 11-2019, mỗi năm chính phủ Mỹ phải đánh giá và xác định sự cầm quyền của chính quyền Hong Kong khác biệt với Trung Quốc hay không, và khác biệt mức độ nào.
Sau động thái Trung Quốc tính xây dựng luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hong Kong, ngày 27-5, Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo lên Quốc hội nước này rằng Hong Kong không còn duy trì mức độ tự trị cao.
Đánh giá này là tiền đề để Mỹ cân nhắc xem Hong Kong có được tiếp tục nhận các đối xử ưu đãi về kinh tế và thương mại từ Mỹ vốn quy định trong Luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992.
Với diễn biến này, Mỹ hoàn toàn có khả năng rút quy chế đặc biệt, mở đường cho khả năng trừng phạt và bỏ các ưu đãi về thương mại cho đặc khu này.
Sau đánh giá của Bộ Ngoại giao, nhiều quan chức Mỹ trong đó có Tổng thống Donald Trump sẽ phải quyết định áp dụng hình thức trừng phạt hay các chính sách nào khác với Hong Kong. Và các phương án có thể, theo báo South China Morning Post, bao gồm tăng thuế quan, siết quy định đầu tư, phong tỏa tài sản, siết quy định cấp visa.
Phe thân Bắc Kinh: Chính phe phản đối mời gọi và vận động Mỹ
Ngày 28-5, Quốc hội Trung Quốc đã ra nghị quyết thống nhất chủ trương xây dựng luật an ninh quốc gia với Hong Kong. Như vậy khả năng Mỹ rút quy chế đặc biệt với Hong Kong càng cao hơn. Nếu Mỹ đi đến bước này thì tư cách là một trung tâm kinh doanh quốc tế của Hong Kong sẽ gặp bất lợi lớn.
Biểu tình ở Hong Kong giữa tuần rồi. Ảnh: SCMP
Trong ngày 28-5, một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo đánh giá mức độ tự trị của Hong Kong, làn sóng đổ lỗi nhau bắt đầu xuất hiện giữa các chính trị gia đặc khu, theo South China Morning Post.
Giới chính trị gia Hong Kong chia thành hai phe, bên ủng hộ và bên phản đối chính quyền Hong Kong và chính phủ đại lục.
Cả hai bên đều khẳng định bên kia phải chịu trách nhiệm về nguy cơ Mỹ rút quy chế đặc biệt và có những hành động bất lợi với Hong Kong.
Phe thân Bắc Kinh vừa hạ thấp tác động các biện pháp trừng phạt mà Mỹ có khả năng thực hiện vừa chỉ trích phe phản đối đã mời gọi Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ của Hong Kong và thậm chí vận động để Mỹ trừng phạt đặc khu này, đặc biệt khi Mỹ đang cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Các nhà lập pháp thân Bắc Kinh nói họ không ngạc nhiên với quyết định của ông Pompeo. Bà Regina Ip Lau Suk-yee – Chủ tịch đảng Nhân dân mới và có chân trong Hội đồng Hành pháp (có thể xem như nội các Hong Kong) nói chuyện Mỹ rút quy chế đặc biệt với Hong Kong chỉ là chuyện thời gian.
Theo nhà lập pháp này, “đây là điều không thể tránh được”, và “Hong Kong là của Trung Quốc chứ không còn là của Anh”.
“Với việc Hong Kong tương tác chặt với Trung Quốc đại lục, Mỹ sẽ làm điều này sớm hoặc muộn. Họ chỉ cân nhắc quyền lợi thương mại của chính họ ở đây” – bà Ip nói.
Theo bà Ip, thậm chí nếu quy chế ưu đãi của Mỹ bị rút thì tác động của nó đến thương mại Hong Kong cũng chỉ hạn chế, và kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng lớn.
Tháng 8 năm ngoái, bốn nhà lập pháp phản đối Bắc Kinh và hai nhà lập pháp thân Bắc Kinh – là bà Ip và ông Felix Chung Kwok-pan được mời qua Mỹ tham dự một hội thảo ở bang Montana. Hai nhà lập pháp thân Bắc Kinh khác là Starry Lee Wai-king và Martin Liao Cheung-kong cũng được Mỹ mời nhưng không nhận lời.
Các nhà lập pháp Regina Ip Lau Suk-yee (trái) và Felix Chung Kwok-pan khi thăm Mỹ hồi tháng 3. Ảnh: SCMP
Tháng 3 vừa rồi, ông Bernard Chan - lãnh đạo Hội đồng Hành pháp, các nhà lập pháp thân Bắc Kinh như Ip, Liao, Horace Cheung Kwok-kwan cùng ba nhà lập pháp phản đối Bắc Kinh đã sang California (Mỹ) gặp các quan chức Mỹ.
Ngày 28-5, nhà lập pháp Liao nói dù Bắc Kinh không có kế hoạch ra luật an ninh với Hong Kong đi nữa thì Mỹ cũng theo đuổi chủ trương hiếu chiến với Trung Quốc. Các chủ trương hiếu chiến này có thể thể hiện qua việc áp thuế quan, về cáo buộc nguồn gốc virus, về Huawei, theo ông Liao.
Đồng tình với ông Liao, hai nhà lập pháp Cheung và Chung nói phía Mỹ không có thiện chí trong đối thoại với các nhà lập pháp Hong Kong thân Bắc Kinh.
Theo ông Chung, tác động với Hong Kong sẽ tùy vào cách Mỹ hành động với hệ thống tài chính đặc khu. Một điểm mạnh là Hong Kong không sản xuất nhiều hàng hóa nên chuyện đánh thuế sẽ không gây tác động mạnh.
Phe phản đối: Sự việc là thất bại của chính quyền Hong Kong
Trong khi đó, phe phản đối cáo buộc phe thân Bắc Kinh thất bại trong việc thuyết phục chính phủ trung ương tôn trọng các lời hứa trong nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” được bảo đảm theo Luật Cơ bản – được xem như hiến pháp của Hong Kong.
Một nhà lập pháp phản đối Bắc Kinh đề nghị không nêu tên nói chính quyền Hong Kong “100% là thủ phạm lớn nhất” gây ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở đặc khu.
“Nếu chính quyền Hong Kong không xúc tiến dự luật dẫn độ, làm sao sự việc trở thành thế này?” – nhà lập pháp này đặt câu hỏi, ý muốn nói đến dự luật dẫn độ đã kích động cuộc biểu tình quy mô lớn kéo dài cả hơn nửa năm ở Hong Kong.
Tuy nhiên theo nhà lập pháp Kwok Wai-keung, Mỹ đã xác định các chính sách về Trung Quốc và Hong Kong từ trước, và những chuyện xảy ra ở Hong Kong chỉ làm chín muồi hơn ý định của Mỹ, thúc giục Mỹ can thiệp vào buộc Bắc Kinh phản ứng.
“Người Mỹ soạn kịch bản, nhưng tự họ không đạo diễn hay diễn. Những người như Hoàng Chi Phong đã làm vai trò này, đã hỗ trợ và bảo vệ các kế hoạch của Mỹ” – nhà lập pháp Kwok nói.
Từ trái qua: Các nhà lập pháp Horace Cheung, Martin Liao, Bernard Chan và Regina Ip trong lần sang California (Mỹ). Ảnh: SCMP
Trước thời điểm Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong được Mỹ thông qua năm ngoái, đảng Demosisto do Hoàng Chi Phong sáng lập đã tích cực ủng hộ đạo luật này được thông qua cũng như ủng hộ Mỹ trừng phạt các quan chức Hong Kong và đại lục.
Ngày 28-5 Hoàng Chi Phong đề nghị các lãnh đạo châu Âu và châu Á và các nước có trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phản đối luật an ninh quốc gia Trung Quốc tính áp dụng lên Hong Kong.
“Nếu Trung Quốc không quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong, để lôi Hong Kong vào ác mộng, chúng tôi không tin Washington bất ngờ thông báo sẽ áp đặt các sắp xếp này ở Hong Kong” – Hoàng Chi Phong nói.
Nhà lập pháp Martin Lee Chu-ming, nhà sáng lập đảng Dân chủ nói không có ý do để cáo buộc phe phản đối Bắc Kinh đã đẩy Hong Kong vào tình huống khó khăn hiện tại.
Theo ông Martin Lee, chính chính phủ Trung Quốc đã phá vỡ lời hứa với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ sự tự trị của Hong Kong. Ông Martin Lee là nhân vật nổi tiếng trên trường quốc tế. Năm 2014 ông này từng gặp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đến thủ đô Washington bàn về chuyện Hong Kong.
Từ trái qua: Các nhân vật đảng Demosisto Agnes Châu Đình, Nathan La Quán Thông và Hoàng Chi Phong lên tiếng phản đối áp luật an ninh quốc gia ở Hong Kong. Ảnh: SCMP
Ông Martin Lee nói ông ủng hộ Mỹ thông qua luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, nhưng ông chưa bao giờ vận động Mỹ có hành động cứng rắn với đặc khu.
Chủ tịch đảng Dân chủ Wu Chi-wai và nhà lập pháp Kenneth Leung đồng tình quan điểm của ông Martin Lee. Ông Leung nói các quan chức Trung Quốc và Mỹ cần ngồi lại với nhau và bàn về tình hình Hong Kong.
“Tôi không muốn thấy bất kỳ sự trừng phạt nào và cũng không muốn thấy việc thi hành luật an ninh quốc gia” – ông Wu nói.