Giữa ma trận app, dân chỉ cần 1 app khai báo y tế

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã góp phần cho sự ra đời rất nhiều ứng dụng điện tử, trong đó có các ứng dụng liên quan đến khai báo y tế cá nhân.

Từ khi dịch bệnh xảy ra, việc kê khai các thông tin liên quan không còn là sự lựa chọn mà là “bắt buộc” trong yêu cầu 5K của Bộ Y tế, đó là “khai báo thông tin”.

Nhiều app khai báo y tế

Hiện nay, các ứng dụng công nghệ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 quá nhiều, do nhiều chủ thể quản lý.

Điển hình là Bộ Y tế và Bộ TT&TT cùng triển khai ba ứng dụng dùng để khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần, đó là ứng dụng Bluezone, ứng dụng VHD (Vietnam Health Declaration) và tokhaiyte.vn, ứng dụng NCOVI.

Lực lượng chức năng kiểm soát người dân khai báo “di biến động dân cư”
khi qua chốt trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), sáng 15-8. Ảnh: TỰ SANG

Trong đó, ứng dụng VHD và tokhaiyte.vn cho phép khai báo y tế (bắt buộc), khai báo y tế toàn dân. Ứng dụng Bluezone thì ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại thông minh, cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, ghi nhận dữ liệu di chuyển (ứng dụng này có lượt tải lớn nhất trong các ứng dụng, với trên 40 triệu lượt). Còn ứng dụng NCOVI cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày (tự nguyện) và ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.

Tuy nhiên, trước thời điểm tháng 5-2021, ba phần mềm này không liên thông về dữ liệu, gây khó khăn, bất tiện cho người sử dụng.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 vào cuối tháng 5-2021, bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết các ứng dụng này đã sử dụng kho dữ liệu đồng nhất, tạo thuận lợi cho người dùng và quản lý của các địa phương. Thậm chí, vào thời điểm tháng 6-2021, Bộ Y tế còn đề nghị xử phạt những ai không cài Bluezone, rất may là đề xuất này chưa được triển khai.

Không chỉ dừng ở ba ứng dụng phổ biến trên, mới đây còn có thêm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tiêm chủng, quản lý sức khỏe người dân, trong đó cũng có tính năng khai báo y tế. Tuy nhiên, kiểm tra thông tin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, người dân phát hiện có rất nhiều thông tin không chính xác, như người chưa tiêm vaccine thì ghi nhận tiêm rồi, còn người tiêm rồi thì dữ liệu là chưa tiêm…

Gần đây, Bộ Công an vừa triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch “di biến động dân cư” để kiểm soát, truy vết công dân nghi nhiễm F0, F1, F2 khi cần thiết ở TP.HCM.

Tuy nhiên, thay vì sử dụng ứng dụng khai báo y tế có sẵn trên điện thoại, người dân lại tiếp tục phải khai báo thông tin tại trang web suckhoe.dancuquocgia.gov.vn để nhận mã QR (cũng giống như thực hiện trên hệ thống tokhaiyte.vn) hoặc quét mã QR tại ứng dụng Zalo hoặc ứng dụng quét mã QR bằng camera để vào biểu mẫu khai báo y tế. Tuy nhiên, người dân được lưu ý không dùng ứng dụng Bluezone để quét mã QR của phần mềm này.

Chỉ cần một app đơn giản nhưng hiệu quả, an toàn

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, có nhiều ứng dụng điện tử hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên hiệu quả đến đâu thì chúng ta cần thời gian để đánh giá. Nhưng điều trước mắt ai cũng nhìn thấy là có quá nhiều app khai báo, điều đó chứng tỏ chưa có liên thông dữ liệu thông tin; đồng thời phía người dân quá vất vả khi phải cùng lúc sử dụng nhiều app khai báo, điều này không chỉ tốn thời gian mà còn tốn tiền sử dụng 3G/Internet khi đăng nhập ứng dụng.

Theo quan điểm cá nhân tôi, trước mắt các cơ quan có liên quan cần thống nhất một đầu mối cơ quan quản lý các dữ liệu, các app khai báo, đừng mỗi cơ quan tự làm một kiểu như hiện nay. Đồng thời phải có văn bản pháp luật rõ ràng xác định ứng dụng điện tử nào được sử dụng chính thức, mức độ áp dụng ra sao để người dân biết mà tuân theo.

Và một điều mong đợi nữa là trước khi đưa một ứng dụng điện tử vào đời sống thì cần phải thử nghiệm (chức năng ổn định không, hạ tầng công nghệ, khả năng sử dụng ra sao…), dự liệu nhiều tình huống để đảm bảo ứng dụng có tính khả thi, tránh lãng phí nguồn lực của cơ quan quản lý và người dân.

Trong tương lai, cần thành lập một cơ quan quản lý dữ liệu cá nhân, cơ quan này có vị trí như cơ quan thuộc Chính phủ. Cơ quan này có chức năng hoạch định chiến lược và quản lý thống nhất các dữ liệu cá nhân trong cả nước, đồng bộ dữ liệu đã có sẵn từ các cơ quan như công an, y tế, bảo hiểm xã hội; phân quyền tiếp cận dữ liệu… Đồng thời đây cũng là cơ quan bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân khi bị thu thập dữ liệu trái phép.

Nói tóm lại, việc dùng app khai báo y tế để quản lý, phòng chống dịch bệnh là điều cần thiết. Song người dân chỉ cần một app duy nhất sao cho đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, tránh việc ùn ứ, tập trung đông người khi phải đợi khai báo “di biến động” như mấy ngày qua.

 

Phần mềm Hệ thống khai báo y tế điện tử

Ngày 22-6-2021, UBND TP.HCM ban hành Công văn số 2059/UBND-VX yêu cầu các địa phương nghiêm túc áp dụng thống nhất phần mềm Hệ thống khai báo y tế điện tử từ ngày 24-6 với mục đích hỗ trợ truy vết nhanh các trường hợp nghi nhiễm thay cho hình thức khai báo thủ công bằng giấy.

Đối tượng áp dụng gồm người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí, nơi tập trung đông người trên địa bàn TP. Cụ thể là các địa điểm kinh doanh, làm việc gồm trụ sở làm việc, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy, xí nghiệp. Cùng với đó là các nơi tập trung đông người bao gồm bệnh viện, cơ sở y tế, chung cư, trường học, nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ, phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

Ở các địa phương khác cũng có các ứng dụng khai báo thông tin y tế khác nhau, ví dụ ở Đà Nẵng có app Danang Smart City cho phép khai báo y tế trực tuyến…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm