Buổi giao lưu có đông người già đến tham dự. Nhiều vấn đề thú vị về cuộc sống của người già hiện đại được đặt ra, nhất là người già ở đô thị.
Hãy kết bạn với tuổi già
. Thưa bác sĩ, khi nào thì người ta thấy già, có nên chấp nhận là mình già rồi vì hiện nay số người già trên thế giới ngày càng tăng và số người chưa thấy mình già, muốn làm việc tiếp ngày càng nhiều?
+ BS Đỗ Hồng Ngọc: “Cách đây 20 năm, khi tôi viết một bài báo, gọi GS Trần Văn Khê là “một ông già Nam Bộ dễ thương”, ông Khai Trí - chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng trước 1975 đã cự nự tôi là tại sao dám gọi ông Trần Văn Khê là già khi ông mới có 77 tuổi. Theo ông Khai Trí, không có tuổi nào là tuổi già cả và ông dẫn chứng bằng một câu trong sách Tây ông đã đọc: “Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ, 30-40 tuổi đang trẻ, 50-60 trẻ không ngờ, 60-70 trẻ lạ lùng. Và trên 70 người ta trẻ vĩnh viễn”. Còn ông Trịnh Công Sơn đã viết lời bạt cho quyển sách Gió heo may đã về của tôi như vầy: “Nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ… Không có già, không có trẻ…”. Vậy nhưng chính nhạc sĩ này cũng có lúc đã thấy “ôi cát bụi mệt nhoài…”, “Cuồng phong cánh mỏi…”. Thấy chưa, cái già là cái có thật bởi ai cũng đến lúc thấy mệt mỏi, mệt nhoài. Cái già nó đến bất ngờ, đến xồng xộc không báo trước. Vậy nên phải biết già sao cho sướng, làm sao có một tuổi già hạnh phúc.
. Người già phải sống làm sao để bản thân họ thấy khỏe và con cháu vui?
+ Cái sướng đầu tiên của tuổi già là biết mình già rồi và có một “ kế hoạch già”. Hãy biết làm bạn với tuổi già và kết bạn với thần chết để không sợ già, sợ chết vì nỗi sợ nó đáng sợ hơn chính tuổi già và cái chết. Mình phải chấp nhận già, chết là quy luật, là tự nhiên để thấy thân tâm an lạc. Không có một thứ thuốc nào, bác sĩ nào chống lại được quy luật tuổi già. Hãy thấy già là một niềm hạnh phúc. Theo một nghiên cứu, tuổi hạnh phúc của con người là tuổi mới lớn 15-20, thấy cái gì cũng đẹp. Những tuổi sau đó là cơm áo gạo tiền, lo toan, gánh nặng nên bớt hạnh phúc đi. Nhưng đến tuổi 60-65, khi con cái đã lớn, bỏ được gánh nặng, người ta hạnh phúc trở lại và hạnh phúc nhiều hơn, hai vợ chồng như sống lại đời sống tình nhân. Hãy để cho tuổi già của mình sống tự tại, có một sức khỏe tâm thần hạnh phúc, tiếp tục đóng góp cho gia đình và xã hội tùy năng lực; giữ các mối quan hệ thân thiết trong gia đình, cộng đồng, xã hội…, biết đón nhận cái chết để có một cái chết hạnh phúc.
Nhiều người già đến giao lưu với BS Đỗ Hồng Ngọc tại buổi ra mắt sách. Ảnh: HÒA BÌNH
Đừng nhìn vào mảng tối của xã hội
. Ông cho rằng sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người già nói riêng và con người nói chung phụ thuộc vào sự sảng khoái về đời sống tâm thần và xã hội. Mà xã hội hiện nay có những bất an nhất định, vậy làm thế nào để già sao cho sướng?
+ Lâu nay ở nước ta ít quan tâm đến vấn đề xã hội của sức khỏe mà chỉ quan tâm đến vấn đề y tế như bệnh tật. Ở nước ngoài người ta có Bộ Sức khỏe chứ không có Bộ Y tế như bên ta, đây là vấn đề nước ta sẽ phải dần dần cải tiến. Người ta nói thân tâm an lạc. Thân không an thì tâm làm sao lạc. Bây giờ ra đường kẹt xe, hít khói bụi; cây bị chặt đi không có oxy để thở thì làm sao mà không bực, làm sao mà thân an. Ra đường nào nạn rải đinh, nào nhìn nhau một cái không thích thì bị đâm chết… khiến tâm lý xã hội bất an. Nhiều người già không dám ra đường, không dám kết bạn. Chính người già phải nhìn vào những mảng tích cực của xã hội để vượt qua điều này chứ không có cách nào khác để có tâm an được.
. Thưa bác sĩ, rất nhiều người già có vấn đề với trí nhớ, quên trước, quên sau, thậm chí có người quên cả chuyện mình đã ăn rồi hay chưa. Có cách nào khắc phục căn bệnh này?
+ Trong cơ thể chúng ta có đến 100 tỉ tế bào thần kinh liên kết, kết nối với nhau. Nếu não bộ ta hoạt động thường xuyên thì các tế bào này sẽ tiếp tục sinh sản liên tục, duy trì các đường dây nối. Do đó tôi khuyến khích người già nên có nhiều hoạt động tích cực, đi học như học vẽ tranh, cắm hoa, nấu ăn, thiền… để giữ trí tuệ, tinh thần minh mẫn.
. Xin cám ơn ông.
Người già nên dùng mạng xã hội Tôi khuyến khích người già nên dùng mạng xã hội, vào Facebook vì nó chữa được chứng bệnh của người già là cô đơn, thiếu bạn. Người già trước đây, khi hưu rồi lắm khi bị con cháu bỏ rơi, cảm thấy thân phận mình như con hổ trong thơ của Thế Lữ “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua”. Với mạng xã hội, nếu sử dụng đúng cách, người già có thể thoải mái giao lưu, kết bạn, trò chuyện, học và biết thêm nhiều thứ. Thậm chí có khi còn có niềm vui bất ngờ, trẻ ra bất ngờ. BS ĐỖ HỒNG NGỌC |