Gỡ vướng thủ tục để chuyên gia đến TP.HCM làm việc

(PLO)- TP.HCM nỗ lực để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-3, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Hiệp hội DN châu Âu và chính quyền TP với chủ đề “Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài”.

Quy định 10-15 ngày, thực tế mất 2,5-4 tháng

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến, thắc mắc của DN về các nội dung liên quan đến thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động kéo dài; những khó khăn khi làm thủ tục qua cổng dịch vụ công quốc gia; khó khăn trong việc chứng minh kinh nghiệm làm việc của người lao động nước ngoài...

28.000 là số hồ sơ mà trong năm 2022 Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận và xử lý.

Trong đó, hơn 15.400 hồ sơ giải trình nhu cầu sử dụng người lao động, 10.800 hồ sơ yêu cầu cấp mới giấy phép lao động, 1.126 hồ sơ cấp lại; 440 hồ sơ gia hạn và 350 hồ sơ xác nhận người không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động kéo dài là vấn đề hầu hết các doanh nghiệp gặp phải, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các vấn đề mà DN thắc mắc.

“Vấn đề thẩm định, cấp phép cho người lao động nước ngoài theo Nghị định 152, ngày 31-12-2022 rất chặt chẽ nên nhiều DN gửi hồ sơ lên đều được trả lại để bổ sung. Điều đó dẫn đến chậm trễ trong việc cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài” - bà Vinh cho hay.

Đại diện phía EuroCham nói theo quy định cơ quan lao động sẽ xem xét hồ sơ cho bước giải trình nhu cầu sử dụng, trả kết quả trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình và năm ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, thực tế các DN mất đến 2,5 tháng để hoàn tất thủ tục và được cấp giấy phép lao động; cá biệt có vài công ty mất đến bốn tháng.

Từ đó, EuroCham đề xuất đơn giản hóa thành phần hồ sơ, như hộ chiếu không cần bản sao chứng thực mà chỉ cần bản photocopy. Trường hợp tài liệu đã hợp pháp hóa lãnh sự mà chưa đạt yêu cầu thì tạo điều kiện cho DN bằng cách có thể làm công văn giải trình, cam kết và có thể nộp bổ sung hồ sơ sau đó, bởi việc làm lại và hợp pháp hóa lãnh sự ở nước ngoài có thể mất đến 2-3 tháng tùy từng quốc gia.

Đã nỗ lực gỡ khó, khó hơn phải báo trung ương

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đã ghi nhận và trả lời cụ thể các ý kiến của DN.

Theo ông Lâm, trong thời gian qua, DN đã thực hiện tốt việc cấp giấy phép lao động, quản lý người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN khi làm thủ tục cấp giấy phép lao động chưa chuẩn bị tốt các hồ sơ liên quan...

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm trả lời ý kiến của doanh nghiệp. Ảnh: THANH TUYỀN
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm trả lời ý kiến của doanh nghiệp.
Ảnh: THANH TUYỀN

Đơn cử, việc thực hiện giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của DN chưa đảm bảo theo các quy định hiện hành. Cạnh đó, trong quá trình nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động các DN thường mắc phải một “lỗi” như việc hợp pháp hóa lãnh sự, sao y chứng thực và dịch công chứng; nội dung liên quan đến chuyên môn đào tạo, kinh nghiệm làm việc của người nước ngoài thiếu thông tin cụ thể hoặc không thống nhất với báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Khẳng định chính quyền TP luôn đồng hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nói những đề xuất thuộc thẩm quyền của sở và TP sẽ nỗ lực để xử lý linh hoạt. Với những đề xuất vượt thẩm quyền, TP sẽ có kiến nghị với trung ương.

Liên quan đến thủ tục hành chính, ông Lâm cho hay thời gian qua Sở LĐ-TB&XH cũng đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể, hồ sơ báo cáo giải trình/giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài từ 10 ngày làm việc xuống còn bảy ngày làm việc. Thời gian cấp lại giấy phép lao động rút ngắn từ ba ngày xuống còn một ngày.

Lỗi ở cổng dịch vụ công

Tại buổi đối thoại, các DN cho rằng nguyên nhân chậm cấp giấy phép lao động là thủ tục qua cổng dịch vụ công quốc gia. Trang web này thường xuyên gặp lỗi và mất rất nhiều thời gian để được tiếp nhận (2-3 tuần).

Trong trường hợp hệ thống lỗi không nhận được hồ sơ hoặc hồ sơ treo quá lâu, cán bộ yêu cầu hồ sơ nộp lại cần tiếp tục đợi trong khoảng 2-3 tuần để được nhận thông báo tiếp nhận từ hệ thống.

Trong khi đó theo quy định của BLLĐ, thời gian phản hồi đối với hồ sơ là 10 ngày làm việc đối với bước xin công văn chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động; năm ngày làm việc đối với thủ tục xin cấp phép lao động.

Từ đó, phía EuroCharm đề xuất cải tiến về quy trình nộp hồ sơ online, hạn chế lỗi và cải tiến thời gian tiếp nhận hồ sơ. Bộ phận một cửa có thể kiểm tra và trả lời DN khi họ liên lạc hỏi về tiến trình hồ sơ.

“Vì có nhiều khi hệ thống chưa nhận được hồ sơ nhưng vẫn hiện ngày trả kết quả, đến khi DN đến nhận kết quả như thời gian ghi trên biên nhận thì được phản hồi rằng chưa nhận được hồ sơ, đề nghị DN nộp lại” - đại diện EuroCham nêu thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm