Góc nhìn tâm lý vụ hiệu trưởng dâm ô nhiều nam sinh

Sự việc ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ), dâm ô nhiều nam sinh gây phẫn nộ dư luận mới đây, người bị tổn thương nhiều nhất, cần được quan tâm nhiều nhất chính là những nam sinh bị xâm hại. Những học sinh (HS) này còn nhỏ, chỉ biết phục tùng nên có tâm lý sợ hãi, dẫn đến những tổn thương cả về thể xác và tinh thần, trong đó, sự tổn thương về tinh thần là nghiêm trọng nhất.

Từ sự việc trên, các em HS chắc chắn sẽ nhìn thầy hiệu trưởng và các thầy, cô giáo khác của mình rồi tự hỏi tại sao lại như vậy? Một thầy hiệu trưởng đã từng nói chuyện và lên án về nạn xâm hại trẻ em mà vẫn có thể làm những việc đồi bại đó thì làm sao các em còn có thể tin vào thầy nữa. Sự ám ảnh, mất niềm tin sẽ khiến các em ngờ vực, tổn thương dai dẳng. Cho đến khi các em lớn lên, gặp một thầy giáo nào đó, ký ức trong quá khứ lại hiện về và trong đầu các em lại xuất hiện ý nghĩ "thầy giáo đó chẳng ra gì".

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn Văn Chất. Ảnh: MAI HIỀN

Điều tôi thấy khó hiểu là sự việc nghiêm trọng tới như vậy mà tại sao các giáo viên trong trường lại không biết? Hoặc biết mà không quan tâm, không có giải pháp để giúp các em? Chính sự thờ ơ ấy cũng khiến các em không còn niềm tin vào thầy cô của mình. Nguy hiểm nữa là ở chỗ sự việc này không chỉ làm tổn thương những đứa trẻ là nạn nhân của ông My, mà còn làm ảnh hưởng đến cả những đứa trẻ khác trong trường.

Một mối lo lắng khác đó là những đứa trẻ là nạn nhân của việc bị xâm hại có thể có những lệch lạc, suy nghĩ không chuẩn về giới tính. Một số sẽ bắt chước thầy vì nhớ lại những cảm xúc đặc biệt mà trước đó chưa trải qua bao giờ. Tôi đã từng nghiên cứu về những đứa trẻ đường phố bị người nước ngoài lạm dụng tình dục. Khoảng năm năm trước, bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) có rất nhiều những đứa trẻ đường phố ở độ tuổi 12-16, làm đủ các nghề từ đánh giày, bán đồ linh tinh, khuân vác… Sau đó các cháu bị khách du lịch dụ dỗ vào khách sạn quan hệ đồng tính. Về sau, khi phỏng vấn hơn 20 trẻ thì đa phần chúng cho biết đều thờ ơ với bạn khác giới và cũng có hành động, cử chỉ lệch lạc.

Sự việc vừa qua không chỉ khiến các em có liên quan bị tổn thương mà cũng khiến các bậc phụ huynh bị tổn thương. Tuy nhiên, đừng mắng chửi các em, việc cần làm nhất bây giờ là ổn định tâm lý cho các em. Hãy phân tích cho các em hiểu rằng hành động của thầy hiệu trưởng chỉ là trường hợp cá biệt, là con sâu làm rầu nồi canh, là hành động sai trái sẽ bị pháp luật trừng trị. Trong xã hội vẫn còn rất nhiều thầy cô tốt, hết lòng vì HS... để các em bình tĩnh, lấy lại niềm tin. Tuyệt đối không nên nhắc lại sự việc đau lòng trên một lần nào nữa, các em nếu có nhắc lại cũng khéo léo hướng sang chủ đề khác để các em quên dần đi sự ám ảnh.

Bên cạnh việc ổn định tâm lý cho những đứa trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị kỹ năng sống, kỹ năng đề phòng bị xâm hại cho trẻ từ sớm. Khi một người nào đó gọi mình vào phòng cho ăn uống, cho tiền… cần tìm cách thoát ra ngoài. Ví dụ như lúc đó cần giả vờ bị đau bụng, đi vệ sinh, đau đầu phải xuống phòng y tế, tuyệt đối không được vùng vằng để tránh bị gây áp lực.

Chuyên gia nghiên cứu tâm lý NGUYỄN AN CHẤT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm