Một lãnh đạo Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) vừa xác nhận với PV có tình trạng một số cá nhân lợi dụng chính sách bán hàng bình ổn giá tại hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op để gom hàng với số lượng lớn rồi bán ra ngoài hưởng lợi bất chính.
Điều này dẫn đến tình trạng một số mặt hàng không châm kịp để bán, thiếu hụt trong một khoảng thời gian, gây bức xúc cho người dân.
Theo vị này, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến vô cùng khó lường, phức tạp và TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị 16, nhu cầu thực phẩm thiết yếu tăng cao, người dân hạn chế ra đường thì các hành vi như trên là rất đáng lên án và cần phải bị xử lý nghiêm.
Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM tại cuộc họp báo chiều qua (12-7) cũng thừa nhận có tình trạng trên và đã yêu cầu lực lượng chuyên trách tiến hành rà soát, xử phạt nghiêm.
Người dân phải chịu khó sắp hàng đợi đến lượt vào siêu thị mua hàng. Ảnh chụp ngày 11-7 tại siêu thị Co.op Mart trên đường Trường Sa, quận 3, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Dưới góc độ pháp lý, luật sư (LS) Trần Bá Học (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Hành vi gom hàng ở siêu thị ra ngoài bán hưởng lợi sẽ bị xử phạt theo Điều 31 Nghị định 98/2020.
Cụ thể, đây là các hành vi đầu cơ: Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá; Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.
Nếu gom hàng với giá trị hóa đơn từ 50 đến dưới 100 triệu đồng để bán ra ngoài hưởng lợi sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020).
Nếu gom hàng với giá trị hóa đơn từ 100 đến dưới 200 triệu đồng để bán ra ngoài hưởng lợi sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 98/2020).
Nếu gom hàng với giá trị hóa đơn từ 200 đến dưới 500 triệu đồng để bán ra ngoài hưởng lợi sẽ bị phạt từ 20 đến 50 triệu đồng (theo khoản 3 Điều 31 Nghị định 98/2020)
Nếu gom hàng với giá trị hóa đơn từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng để bán ra ngoài hưởng lợi sẽ bị phạt từ 50 đến 80 triệu đồng (theo khoản 4 Điều 31 Nghị định 98/2020)
Nếu gom hàng với giá trị hóa đơn từ 1 tỷ đồng trở lên để bán ra ngoài hưởng lợi sẽ bị phạt từ 80 đến 100 triệu đồng (theo khoản 5 Điều 31 Nghị định 98/2020)
Người vi phạm sẽ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính. Các mức phạt trên áp dụng cho cá nhân, tổ chức mức phạt gấp đôi so với cá nhân.
Nghiêm trọng hơn, theo LS Bá Học, hành vi đầu cơ hàng hóa có thể bị xử lý hình sự về Tội đầu cơ (Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015), Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính.
Tùy vào giá trị đơn hàng để gom bán ra ngoài mà người vi phạm sẽ bị mức phạt tương ứng, tối đa có thể lên đến 15 năm tù trong trường hợp thu lợi bất chính trên 1 tỷ đồng…
Pháp nhân thương mại vi phạm sẽ bị xử lý cũng theo tội trên với mức phạt tối đa có thể lên đến 9 tỷ đồng và bị cấm kinh doanh.