Góp ý dự thảo Luật Thú y: Đừng để heo bệnh, gà toi tha hồ mua bán

Dự thảo Luật Thú y đang được Bộ NN&PTNT đưa ra để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Liên quan đến nội dung kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, dự thảo luật đưa ra ba phương án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định phương án 3 không khả thi.

Không kiểm dịch heo, gà từ cơ sở giết mổ?

Trước đây quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thú y. Theo đó, việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, được cơ quan thú y có thẩm quyền thực hiện kiểm soát trước, trong và sau giết mổ.

Tuy nhiên, phương án 3 trong nội dung kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của dự thảo Luật Thú y chỉ quy định: “Động vật, sản phẩm động vật có trong danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi tỉnh phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong trường hợp động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ vùng đang công bố dịch bệnh động vật”. Điều này có nghĩa heo, gà từ vùng không công bố dịch bệnh được phép vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ… thoải mái, không buộc kiểm dịch.

 

Nếu không kiểm dịch, heo bệnh sau khi giết mổ sẽ được bày bán đầy ngoài chợ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, đặt vấn đề: “Giả sử dịch heo tai xanh, cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và huyện này đã công bố dịch. Căn cứ phương án 3 thì heo, gà từ huyện Vĩnh Cửu vận chuyển ra khỏi địa bàn buộc phải kiểm dịch một lần, sau đó được phép vận chuyển đến nơi khác mà không phải kiểm dịch lại. Còn heo, gà trong các huyện của tỉnh Đồng Nai không công bố dịch bệnh thì được phép tự do vận chuyển, không cần kiểm dịch. Do vậy không loại trừ khả năng heo bệnh, gà dịch được tuồn từ huyện Vĩnh Cửu ra các huyện khác, sau đó đưa vô cơ sở giết mổ. Do không buộc phải thực hiện kiểm dịch nên heo bệnh, gà toi sau khi giết mổ vô tư bày bán ngoài chợ, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng”.

Theo ông Quang, do bỏ quy trình kiểm dịch heo, gà đang vận chuyển nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cho động vật và người rất cao. “Một con heo bệnh từ vùng có dịch lọt ra ngoài sẽ lây lan những con không nằm trong vùng dịch. Những con heo này tiếp tục lây lan những con heo khác. Tương tự, một con gà bị cúm A/H5N1 sẽ lây lan hàng trăm con gà khác khi vận chuyển từ huyện này qua tỉnh nọ, lại có nguy cơ gây tử vong ở người” - ông Quang nêu quan điểm.

Ông Quang cho biết thêm nếu áp dụng phương án 3 sẽ không khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; không khuyến khích họ tham gia giám sát dịch bệnh và chủ động tiêm ngừa vaccine phòng bệnh.

TP.HCM “hứng” thịt thối!

Đồng quan điểm trên, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết thêm nếu chỉ thực hiện việc kiểm dịch heo, gà ở vùng công bố dịch bệnh, rất dễ xảy ra việc hợp thức hóa nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới (đặc biệt ở các tỉnh biên giới, địa phương trung chuyển và tiêu thụ sản phẩm), gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ nước ngoài vào Việt Nam, gây khó khăn và tốn kém cho công tác phòng, chống dịch. “Chẳng hạn heo, gà nhập lậu từ Campuchia vào tỉnh Tây Ninh sẽ được hợp thức hóa. Do Tây Ninh không công bố dịch bệnh nên số heo, gà lậu này tự do vận chuyển và tiêu thụ ở Tây Ninh, kể cả các địa phương lân cận. Nếu heo, gà nhập lậu từ Campuchia mang mầm bệnh sẽ lây lan cho heo, gà nuôi trong nước” - ông Thảo nói.

Ông Thảo cho biết thêm một khi không thực hiện việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thì đồng nghĩa với việc “khai tử” các trạm kiểm dịch động vật. “Mỗi ngày, bốn trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn TP.HCM phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển heo, gà sống không kiểm dịch; sản phẩm động vật hôi thối, mắc bệnh từ các tỉnh đưa vào. Nếu xóa bốn trạm này thì TP.HCM sẽ là nơi “hứng” heo thối, gà bệnh. Số thịt biến chất này sẽ vào nhà hàng, quán ăn, bán ngoài chợ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng” - ông Thảo lo ngại.

Theo ông Thảo, do không thực hiện việc kiểm dịch vận chuyển, giết mổ động vật nên khi xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm sẽ không thể truy tìm nguồn gốc. Trước đây heo, gà sống hoặc heo, gà đã giết mổ khi vận chuyển đều có giấy chứng nhận kiểm dịch, thể hiện rõ nơi xuất phát và nơi đến. Do phương án 3 bãi bỏ kiểm dịch vận chuyển nên không còn giấy tờ nói trên. Nếu xảy ra sự cố thì không thể truy tìm nguồn gốc. Trong khi đó, khoản 2 và 3 Điều 11 Luật An toàn thực phẩm có nội dung: “Bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y có thẩm quyền đối với thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật”. “Do vậy phương án 3 của dự thảo Luật Thú y mâu thuẫn với Luật An toàn thực phẩm” - ông Thảo nêu quan điểm.

TRẦN NGỌC

 

Nội dung kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật

Phương án 1:

Động vật, sản phẩm động vật có trong danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi tỉnh phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong các trường hợp sau:

a) Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh;

b) Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở chăn nuôi chưa được giám sát dịch bệnh;

c) Động vật chưa được phòng bệnh bằng vaccine theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của luật này hoặc đã được phòng bệnh bằng vaccine nhưng không còn miễn dịch bảo hộ;

d) Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở chưa được công nhận an toàn dịch bệnh động vật.

đ) Sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở giết mổ động vật; sơ chế, chế biến sản phẩm động vật.

Phương án 2: Giống phương án 1, chỉ khác ở khoản 2 Điều 50 (Điều 50: Trình tự kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn vận chuyển ra khỏi tỉnh).

Một vấn đề khác cũng cần quan tâm, đó là phương án 3 trong nội dung kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của dự thảo Luật Thú y không phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam. Các nước nhập khẩu rất chú ý đến việc quản lý vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nước với mục đích truy xuất nguồn gốc, phân tích nguy cơ mất an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh…

Ông PHAN XUÂN THẢO, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm