Góp ý sửa đổi Luật Tổ chức TAND: Nhiều băn khoăn về đề xuất thay đổi tên các tòa án

(PLO)- Nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất đổi tên tòa án hai cấp thành TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm.

Ngày 26-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu tới đây.

Phát biểu khai mạc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng đây là luật rất chuyên ngành, rất sâu, nhiều vấn đề cần thảo luận và rất quan trọng.

Một trong những vấn đề lớn được đưa ra để các đại biểu tham gia góp ý đó là đề xuất đổi tên các tòa án của dự thảo.

Nêu quan điểm, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng vấn đề thành lập TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh đã được nêu tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, tổng kết sau 15 năm thực hiện, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận không thực hiện chủ trương này và trong Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng không đề cập đến nội dung này.

Do đó, việc đổi tên các tòa án là không cần thiết, vì chỉ mang tính hình thức, cơ học và không làm thay đổi về mặt bản chất, tòa án vẫn theo cấp hành chính.

dai-bieu-quoc-hoi-tphcm.JPG
Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Ảnh: MINH CHUNG

Ngoài ra, việc này sẽ gây ra những tác động, xáo trộn trực tiếp đến hệ thống pháp luật liên quan trong lĩnh vực tư pháp mà cần phải sửa đổi, bổ sung như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự

Đại diện VKSND TP.HCM cũng cho rằng, việc đổi tên gây lãng phí khi thay đổi tên, con dấu và nhiều vấn đề khác liên quan đến TAND.

Đồng tình, ThS Mai Hoàng Phước, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng việc đổi tên các tòa án nhưng nhiệm vụ, quyền hạn chỉ sửa đổi, bổ sung rất ít và không làm thay đổi bản chất các tòa án.

Vấn đề này cần được xem xét kỹ càng, thận trọng, tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ” và gây lãng phí cho ngân sách.

Cũng theo ThS Phước, đặc thù của Việt Nam hiện nay là chế độ xét xử hai cấp (sơ thẩm, phúc thẩm) và hệ thống tòa án bốn cấp.

Trong đó, có tòa án mang tính “lưỡng tính”, ví dụ như: TAND cấp tỉnh vừa có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vừa có thẩm quyền xét xử phúc thẩm.

“Nếu đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm sẽ có vụ án được xét xử sơ thẩm ở TAND phúc thẩm, gây khó hiểu trong việc tiếp cận công lý của người dân. Đồng thời, cũng buộc phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Tố tụng hiện hành…”, ThS Mai Hoàng Phước nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm