GS Nguyễn Lân Dũng nói về heo mini giá 34 triệu ở Trung Quốc

(PLO)- "Tôi quan tâm đến một nghiên cứu của một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh. Họ nghiên cứu một con heo siêu nhỏ để nghiên cứu tế bào gốc"- GS Nguyễn Lân Dũng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Một số ý kiến thắc mắc các giống lúa mới trên thị trường Việt Nam hiện nay có phải là giống biến đổi gen hay không?. Tôi khẳng định tất cả giống lúa trên thị trường Việt Nam không phải là giống lúa biến đổi gen và không được phép biến đổi gen, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, ảnh hưởng đến người nông dân".

Đó là nhấn mạnh của GS.TS Lê Huy Hàm, Trưởng khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tại hội thảo "Sinh vật biến đổi gen và cuộc sống" do Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học quốc gia tổ chức ngày 17-5.

Tiếp tục chia sẻ, GS Hàm cho biết, trên thế giới, sản phẩm cây trồng biến đổi gen đã được sử dụng rộng rãi từ năm 2006 đến nay. Tính đến tháng 5-2022, diện tích cây trồng biến đổi gen được cộng dồn là gần 3 tỷ hecta. Hàng chục tỷ tấn lương thực đã được làm ra và tiêu thụ, và trong y văn chưa ghi nhận các trường hợp rủi ro trong tiêu dùng.

GS.TS Lê Huy Hàm, Trưởng khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: AH

GS.TS Lê Huy Hàm, Trưởng khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: AH

Đến nay, đã có 45 nước phê chuẩn sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen được làm thực phẩm, thức ăn căn nuôi, như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Mexico, Hàn Quốc, EU, Úc, Philippin, New Zealand, Singapore, Trung Quốc...

"79% cây bông trên thế giới là cây biến đổi gen, với đậu tương là 74%. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 7-8 triệu tấn đậu tương và sản phẩm đậu tương thì đa số đều là biến đổi gen" - GS Hàm nói.

Một số ý kiến cho rằng những nước phát triển trồng cây biến đổi gen chỉ để xuất khẩu cho các nước nghèo, còn chính nước đó không dùng.

Trả lời câu hỏi này, GS Hàm cho hay năm 2010, tỷ lệ đậu tương biến đổi gen của Mỹ chiếm đến 93%, sản lượng gần 90 triệu tấn thì Mỹ tiêu dùng trong nước khoảng 47,5 triệu tấn, còn lại xuất khẩu. Năm 2012, Mỹ sản xuất được 311,2 triệu tấn ngô biến đổi gen thì tiêu thụ trong nước cũng chiếm 206,3 triệu tấn, chiếm 84%, còn lại là xuất khẩu.

"Từ năm 1986 đến năm 2011, Ủy ban châu Âu đã tài trợ 130 dự án, 500 nhóm nghiên cứu độc lập tham gia, 610 bài báo đã công bố. Kết luận không có bằng chứng khoa học là cây trồng biến đổi gen có rủi ro cao hơn đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người, vật nuôi so với giống tạo ra bằng phương pháp truyền thống" - GS Hàm cho biết.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội sinh học Việt Nam, Tổng thư ký hội vi sinh vật học Việt Nam, cho biết bên cạnh cây trồng biến đổi gen thì động vật chuyển gen cũng có nhiều thành tựu.

"Tôi quan tâm đến một nghiên cứu của một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh. Họ nghiên cứu một con heo siêu nhỏ để nghiên cứu tế bào gốc. Nó đã được sản xuất thành công và giá thành rất cao. Mỗi con heo tính ra tiền Việt Nam là 34 triệu đồng/con.

Chính vì lợi nhuận như vậy nên người ta đã sản xuất số lượng lớn, tạo ra hai trại heo chuyển gen để tạo ra con heo mini rồi dùng heo mini để nghiên cứu tế bào gốc" - GS Dũng chia sẻ.

Tại Việt Nam có ít nhất 14 văn bản pháp lý liên quan đến cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gen ở mức khác nhau như Luật, Nghị định, thông tư đã được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2006. Có năm bộ gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT cùng với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến sinh vật biến đổi gen.

Cây trồng biến đổi gen trước khi được đưa vào trồng ở Việt Nam cần được đánh giá theo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn đối với môi trường, đa dạng sinh học. Sản phẩm biến đổi gen muốn được xem xét cho phép sử dụng ở Việt Nam làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi phải được ít nhất năm nước phát triển cho phép sử dụng cùng mục đích mới được đưa ra xem xét.

Đến nay, Việt Nam đã đưa vào sản xuất 16 giống bắp biến đổi gen kháng sâu, kháng thuốc diệt cỏ, vừa kháng sâu, vừa kháng thuốc diệt cỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm