"Có lần tôi nói đùa, giới trẻ hiện nay chán môn lịch sử là một biểu hiện tích cực, tức là các em không chấp nhận với cách dạy như này. Đòi hỏi không phải xóa môn lịch sử mà phải tạo nên nội dung mới và cách giảng dạy hoàn toàn mới. Điều đó thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục".
Tiếp theo bài "Đấu tranh đến cùng để giữ lại môn lịch sử" ngày 9-11, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, kiến nghị về cải cách môn lịch sử trong trường phổ thông để môn này hấp đẫn với người học.
Giới trẻ chán lịch sử là tất yếu!
Môn lịch sử là một trong những môn chất lượng giáo dục sa sút ở THPT. Điều đó thể hiện trong các cuộc điều tra xã hội học và các cuộc phỏng vấn lớp trẻ, trong đó có các em ở THPT. Nhưng vấn đề đặt ra tại sao như vậy, cái đó thuộc về bản chất của môn lịch sử hay thuộc về trách nhiệm của thế hệ trẻ, do thế hệ trẻ quay lưng với sử học?
Tôi đã nhiều lần trả lời câu hỏi này, theo tôi, sử học là một trong những môn hấp dẫn với nội dung phong phú với lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, cho nên nhàm chán đối với học sinh tuyệt đối không phải là tại lịch sử, vấn đề là lựa chọn như thế nào, giáo dục các em thế nào, tạo nên hứng thú trong học tập và suy nghĩ các em thế nào.
Tôi cũng phải bênh vực thế hệ trẻ, tôi cho rằng điều này hoàn toàn không thuộc về trách nhiệm của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ của ta rất năng động, tuy rằng môn sử như thế nhưng trong nhiều cuộc thi tôi rất cảm kích, các em vẫn tìm hiểu và có những bài thi rất tốt.
Vừa rồi Bộ GD&ĐT có phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc thi em yêu lịch sử, trong đó có nhiều bài trả lời tôi hết sức cảm kích và đánh giá cao. Có không ít các em yêu thích và say sưa học lịch sử.
Sách giáo khoa nặng nề, kiến thức nhồi nhét
Tôi biết trong một cuộc điều tra xã hội học, ở một trường nào đó có hơn 80% học sinh rất bất bình khi nghe tin bỏ môn lịch sử. Như vậy rõ ràng không phải thế hệ trẻ, vậy nguyên nhân từ đâu.
Chúng ta thấy rằng trước hết là sách giáo khoa, sách giáo khoa nặng nề và nhồi nhét kiến thức thì không chỉ học sinh mà tất cả người đọc sách giáo khoa hiện nay đều rất chán nản.
Rồi cách giảng nặng về truyền thụ kiến thức, không tôn trọng tính khoa học của môn lịch sử, không tôn trọng đối tượng giáo dục là các em, không tạo nên hứng thú, nhất là lớp trẻ, không đào tạo tư duy sáng tạo cho các em.
Với nội dung dạy như vậy, phương pháp dạy như vậy, rõ ràng chán nản môn lịch sử là tất yếu.
Có lần tôi nói đùa, giới trẻ hiện nay chán môn lịch sử là một biểu hiện tích cực, tức là các em không chấp nhận với cách dạy như thế này. Đòi hỏi không phải xóa môn lịch sử mà phải tạo nên nội dung mới và cách giảng dạy hoàn toàn mới. Điều đó thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục.
Với cách dạy và học sử hiện nay, bản thân học sinh cũng chán mà ngay gia đình các em cũng không thích môn sử, dĩ nhiên có tác động liên hồi, tương quan, tương phản lẫn nhau.
Còn một tác động xã hội nữa, tức là học môn gì người ta nghĩ đến tương lai, học môn sử có tìm được công ăn việc làm không. Tôi muốn nhấn mạnh môn sử để đi vào đào tạo ngành sử học, tỉ trọng rất bé nhỏ trong số học sinh.
Các em phải qua phổ thông, ĐH, lúc đấy mới đi vào chuyên ngành sử học. Về phương diện đào tạo chuyên gia sử học cho tương lai, tôi nghĩ rằng đất nước ta không cần nhiều.
Nhưng ở đây nói đến môn sử học trong nền giáo dục phổ thông, đây không phải đào tạo riêng cho ngành sử học mà cho tất cả mọi ngành, cho lớp trẻ, cho tất cả công dân, dù tiếp tục lên ĐH hay không lên ĐH vẫn phải có nền tảng về lịch sử không thể thiếu được.
Trong đó phải có kiến thức cần thiết để hiểu đất nước này như thế nào, lịch sử như thế nào, văn hóa dân tộc thế nào, trên cơ sở đó mới có trách nhiệm của con người Việt Nam, ý thức công dân và bản lĩnh trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập.
Phải thay đổi toàn hệ thống
Muốn thay đổi chất lượng, hay hiệu quả giảng dạy môn lịch sử phổ thông phải thay đổi rất căn bản. Trước hết lãnh đạo Bộ GD&ĐT và những người thiết kế chương trình phổ thông phải thay đổi nhận thức của mình.
Tức là phải hiểu rõ vị thế của môn lịch sử trong giáo dục lớp trẻ, cái đó là cái căn bản. Học sử để làm gì, học những cái gì phải xác định rõ ràng, trên cơ sở nhận thức với tư duy rất mới mẻ đó thì phải xây dựng chương trình môn sử như thế nào, chương trình là cái thứ hai cực kỳ quan trọng.
Rồi trên cơ sở chương trình phải viết lại toàn bộ sách giáo khoa theo yêu cầu mới, nội dung hoàn toàn mới. Ở đây không phải truyền bá kiến thức và nhồi nhét những hiểu biết cụ thể, mà điều quan trọng ở đây là trên cơ sở một số những kiến thức được chọn lọc kỹ, rất nhẹ nhàng nhưng tạo nên được một nhận thức, một sự yêu mến lịch sử từ đó xây dựng kỹ năng, góp phần xây dựng phẩm chất và năng lực của học sinh.
Cùng với đó, một phần không kém quan trọng là cách dạy như thế nào. Mà nói đến cách dạy là nói đến đội ngũ thầy giáo và cô giáo, mà nói đến đội ngũ giáo viên là phải nghĩ đến các trường sư phạm, các trường ĐH sư phạm phải thay đổi chương trình cho phù hợp.
Tức là phải thay đổi trong toàn hệ thống chứ không phải thay đổi trong một khâu, một điểm nhỏ nào đó.