Bản dịch Sông núi nước Nam quen thuộc quá rồi, sao phải đổi?

Việc sách giáo khoa (SGK) ngữ văn lớp 7, tập 1 đưa các bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà tương truyền của danh tướng Lý Thường Kiệt khác với bản dịch lâu nay nhiều người vẫn thường biết đến khiến nhiều ý kiến không đồng tình. Hàng trăm lượt ý kiến bạn đọc gửi về PLO phản đối cũng có, nhìn nhận ở góc độ khác cũng có.

 Bài dịch của hai tác giả Lê Thước - Nam Trân trong sách ngữ văn lớp 7 đang gây tranh cãi. Ảnh: HUY HÀ

Quen thuộc quá rồi, sao phải đổi?

Phần lớn ý kiến bạn đọc đều đồng thuận: Bản dịch thì sẽ có nhiều cách dịch khác nhau. Tuy nhiên, một bản dịch đã quá quen với nhiều thế hệ học sinh thì việc gì phải thay đổi?

Bạn đọc Ngọc Kha ý kiến: “Nếu bài này do dịch sai thì dịch lại là hoàn toàn đúng nhưng đâu có sai, mà còn quá hay là đằng khác, bài mới dịch không chính xác và không hay. Tại sao chúng ta cứ muốn có cái gì khác đi mới gọi là đổi mới nhỉ?”. Bạn đọc Nguyen Thang cũng cho rằng: “Bản dịch cũ thể hiện được khí phách hào hùng của dân tộc Việt Nam, gieo vần trôi chảy dễ nhớ”.

“Quả thật bài thơ của danh tướng Lý Thường Kiệt là thơ chữ Hán và trong suốt hơn ngàn năm tổ tiên ta đã phải dùng tiếng Hán để làm thơ, viết văn. Sau khi có chữ quốc ngữ là tiếng Việt hiện nay, các nhà trí thức đã phải dày công dịch thuật để truyền lại cho con cháu. Ngoài ý nghĩa của một tác phẩm, bản dịch hay còn phải truyền đạt được nghệ thuật và phong thái của tác giả nữa. Bản dịch trên đây không sai về ý nghĩa nhưng phong cách hùng tráng, dõng dạc đã bị thay thế làm mất giá trị bài thơ gốc, đã vậy còn chọn gieo vần trắc làm bài khó đọc hơn” - bạn đọc Du Long có ý kiến.

Bạn đọc Nguyễn Đăng Giáp cũng nêu ý kiến: “Bài dịch cũ hay hơn nhiều cả về từ ngữ lẫn vần điệu, toát lên sức mạnh tuyên ngôn. Hơn hết cả, bài thơ thay lời tuyên ngôn của ông cha đã đi sâu vào lòng người, thấm đẫm tâm hồn bao thế hệ. Sau khi đọc bài dịch “mới”, không cảm nhận được sự âm vang rung chuyển đất trời, thiêng liêng cao cả như khi nghe thầy giáo đọc bài thơ cách đây 30 năm. Tất cả âm hưởng, niềm tự hào dân tộc dâng lên vẫn nguyên tròn cảm xúc mỗi khi đọc bài thơ. Thiết nghĩ có cần một sự đổi thay như thế?".

Ủng hộ bản dịch được in trong sách ngữ văn 7

Trái với ý kiến phản đối của nhiều người, bạn đọc Nguyễn Phương lại có cái nhìn khác: "Cá nhân tôi thì thích bài mới hơn, cảm giác nghe nó "sang" hơn, đúng với kiểu nói năng của vua quan và đúng với tầm của một "tuyên ngôn". Tuy nhiên, chữ "mày" trong câu cuối theo tôi là không nhã, quá bình dân, nên giữ là "chúng bay". "Nhất định tan vỡ" theo đó có thể hiểu là không cần đánh cũng vỡ vì hành vi xâm lấn, chiếm đoạt xứ sở của dân tộc khác là hành vi phi nghĩa. Vỡ vì nước chủ nhà không chấp nhận hành vi đó, quốc tế coi khinh, cả hai sẽ cùng có hành động chống lại kẻ xâm phạm. Câu này hợp với "cách đánh" của thời đại hiện nay". Một bạn sinh viên TP.HCM cũng ý kiến: “Tôi năm nay 19, tôi đã học như vậy cách đây sáu năm và vẫn nhớ nằm lòng khi nói đến phần dịch. Tôi không thấy có vấn đề gì cả” hay bạn Đỗ nhung: “Hồi mình còn nhỏ mình đã được đọc bài này rồi. Mình thấy ý nghĩa của nó cũng không thay đổi gì cả. Mình cũng thấy rất hay và khí thế hào hùng mà”.

Trong khi đó, bạn đọc Tran Nga đưa ra nhận định: “Cứ cái gì không đúng với cái mình biết là quay ra phê. Mọi người sao cứ lấy bài thơ cũ ra so sánh với bài thơ mới. Phải lấy nguyên bản ra so sánh với bài mới coi nó có đúng tinh thần với nguyên bản không chứ?”.

Nên chỉ là tham khảo

Một bộ phận ý kiến bạn đọc cũng đưa ra hướng giải quyết: Nên giữ lại bản dịch cũ, song song với việc giới thiệu một bản dịch mới. “Con tôi học lịch sử lớp 4 đã thuộc nằm lòng bản dịch cũ rồi. Chẳng lẽ lên lớp 7, tiếp cận với bản dịch mới mà không hề giới thiệu bản dịch cũ thì cháu sẽ hiểu như thế nào?” - bạn đọc Thanh Huyền thắc mắc. Vì vậy, bạn đọc Thanh Huyền đề nghị SGK có thể giới thiệu thêm phần dịch mới này nhưng chỉ nên để làm phần tham khảo để HS hiểu được nhiều chiều. Không nên bỏ bản dịch cũ mà dùng bản dịch mới khá xa lạ với học sinh cũng như nhiều người khác.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Tùng cũng đồng tình: “Chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ theo lối mòn. Việc dịch bài thơ theo nhiều nghĩa khác nhau là bình thường. SGK cũng nên đưa vào cả bài dịch cũ và bài dịch mới thì mới thấy hết cái hay của bài thơ nguyên gốc”.

Còn bạn đọc Việt Tùng gợi ý: “Theo tôi, nếu không thống nhất được cách dịch, cứ để nguyên bài phiên âm Hán Việt Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Cho các cháu học thuộc rồi giải nghĩa cho các cháu”.

“Có những áng thơ bất hủ - như NAM QUỐC SƠN HÀ - được xem là bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP đầu tiên của dân tộc. Giọng thơ hào sảng, khảng khái, dõng dạc, hùng hồn. Theo tôi, chỉ nên tạm dịch (tham khảo). Tốt nhất GIỮ NGUYÊN BẢN GỐC” - bạn đọc Tran Quang Dinh cũng đồng tình.

Không phải là bản dịch mới

Bản dịch được đưa vào sách ngữ văn 7 là do học giả Lê Thước (1891-1975) và nhà thơ Nam Trân (1907-1967) dịch, được đăng trong cuốn Thơ văn Lý Trần, từ năm 1977.

“Núi sông Nam Việt vua Nam ở 
Vằng vặc sách trời chia xứ sở 
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây 
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Trong SGK ngữ văn 7, có đến ba bản dịch chữ quốc ngữ của bài thơ Nam quốc sơn hà  chứ không chỉ riêng bản dịch của Lê Thước - Nam Trân. Bản dịch có câu Vằng vặc sách trời chia xứ sở được sử dụng làm đối tượng chính của bài đọc văn bản trang 62, còn hai bản dịch khác được đăng kèm để học sinh tham khảo. 

Hai bản dịch còn lại là:

- Bản dịch trên nguyên bản bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Sách trời phân định đã rạch ròi/ Cớ sao giặc cướp xâm phạm tới/ Chúng bay thất bại hãy chờ coi.

- Bản dịch của nhà thơ, dịch giả Ngô Linh Ngọc: Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự/ Sách trời định phận rõ non sông/ Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?/ Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong.

Tuy nhiên, ba bản dịch Nam quốc sơn hà trong SGK ngữ văn 7 đều không giống với bản dịch được phổ biến lâu nay.

-----------------------------------

Dư luận đang nhầm lẫn

Văn bản được coi là Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của việt Nam chính là nguyên tác chữ Hán của bài Nam quốc sơn hà chứ không phải bản dịch chữ quốc ngữ Sông núi nước Nam. Không có bản Tuyên ngôn độc lập Sông núi nước Nam nào bằng chữ quốc ngữ cả. Chỉ nguyên tác thì mới không thay đổi.

Để hiểu được nguyên tác thì phải dịch ra chữ quốc ngữ. Nhưng không ai quy định bản dịch nào là duy nhất đúng. Việc lẫn lộn, cho một bản dịch nào đó quyền ưu tiên, quyền “duy nhất đúng” tôi thấy không nên. 

GS Trần Đình Sử (Theo Thể Thao Văn Hóa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm