Xã hội hóa giáo dục: Phụ huynh tới lớp 'thay áo mới' bàn ghế cũ

(PLO)-  Thực hiện xã hội hóa giáo dục, phụ huynh Trường Tiểu học Trần Quang Khải đã rủ nhau tới lớp sơn sửa bàn ghế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày này, em Bùi Lê Nhã Khanh, học sinh lớp 4/1 Trường Tiểu học Trần Quang Khải, quận Gò Vấp, bày tỏ sự thích thú khi tới lớp.

"Bàn ghế được thay áo mới, đẹp hơn trước. Nền bục giảng trước đây lồi lõm, các bạn dễ trượt ngã nay đã được sửa bằng phẳng, sạch sẽ, vì thế em thích đi học hơn. Đặc biệt điều em thấy vui vì công trình này do ba em cùng các cô, các bác cùng thực hiện" - Khanh nói.

Xã hội hóa giáo dục
Thực hiện hoạt động xã hội hóa giáo dục, phụ huynh lớp 4/1 rủ nhau tới lớp sơn sửa bàn ghế. Ảnh: NTCC

Xã hội hóa giáo dục không chỉ quyên góp kinh phí

Người nghĩ ra ý tưởng xã hội hóa giáo dục nói trên là anh Nguyễn Đức Ngân, Phó Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 4/1.

Tại cuộc họp đầu năm học, thấy bục giảng sụt lún, bàn học vừa cũ, mỗi bàn một màu, màu sơn đã bong tróc lại bị vẽ lung tung, anh Ngân rất trăn trở.

truong-tieu-hoc-tran-quang-khai-1.jpg
Bục giảng bị sụt lún, phụ huynh mang dụng cụ vào tu sửa để học sinh đi lại được an toàn. Ảnh: NTCC

"Với điều kiện cơ sở vật chất như vậy rất khó để các con có thể học tốt. Do đó, sau khi suy nghĩ và dựa vào điều kiện của phụ huynh trong lớp, tôi đã kêu gọi mọi người chung tay sửa sang lại bàn ghế, phòng học để các con có môi trường học tập tốt hơn" - anh Ngân nói.

Nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đặc biệt là sự đồng ý từ Ban giám hiệu nhà trường, sự đồng hành của cô giáo chủ nhiệm, nhóm đã thực hiện kế hoạch vào ngày cuối tuần.

“Cách làm xã hội hóa giáo dục như thế này không mất nhiều kinh phí, chủ yếu mọi người bỏ công sức cùng thực hiện. Người chuẩn bị giấy nhám, người mua sơn, người quét sơn, người dọn dẹp, người mua gạch để quét" - anh Ngân kể.

XA-HOI-HOA-GIAO-DUC-3.jpg
Hoạt động trên được nhóm phụ huynh thực hiện vào ngày cuối tuần. Ảnh: NTCC

Do gạch lát ở bục giảng là loại gạch thời xưa, giờ không còn sản xuất nên nhóm phải mua màu gạch khác. "Công trình chỉ mất 1 ngày đã hoàn thành khiến ai cũng vui vì có thể góp một chút sức mình trang trí, sửa sang lớp học của con trở nên tươm tất hơn” - anh Ngân nói.

Theo anh Ngân, với ngân sách dành cho giáo dục hiện nay thì chủ trương xã hội hoá giáo dục hoàn toàn đúng đắn.

truong-tieu-hoc-tran-quang-khai-2.jpg
Phụ huynh khoác "áo mới" cho chiếc bàn học để các em thích thú khi đến trường.

Anh Ngân cho rằng trong khả năng, phụ huynh có thể đồng hành cùng thầy cô để làm cho ngôi trường của con trở nên khang trang hơn, phục vụ tốt nhất cho việc học.

“Xã hội hoá giáo dục không chỉ là đóng tiền mà mọi người có thể đóng góp sức mình vào những công việc trong khả năng của bản thân. Công trình sửa sang lớp học của lớp con tôi là minh chứng cho điều đó.

Thấy các con được ngồi học trên chiếc bàn được sơn mới với vẻ thích thú, chúng tôi thấy hạnh phúc. Đặc biệt, công việc của chúng tôi làm cũng phần nào giáo dục ý thức các con trong việc giữ gìn tài sản chung” - anh Ngân nói.

Cảm động khi phụ huynh cùng chung tay

Tại tiết học vừa qua, cô Nguyễn Thị Khánh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/1 đã giới thiệu về công trình của phụ huynh cho học sinh của lớp.

"Hôm nay, các con thấy có gì mới nào?" - cô Khánh đặt câu hỏi.

Học sinh đồng loạt nói: "Bàn học được sơn mới ạ!"

Cô Khánh cười và nói: "Những chiếc bàn được sơn mới là nhờ công sức của ba mẹ các con. Ba mẹ đã tranh thủ ngày nghỉ vào lớp cùng cô dọn dẹp, sơn sửa để bàn học trở nên tươm tất, sạch đẹp. Cô mong các con sẽ giữ gìn nó cẩn thận và nỗ lực hơn trong học tập".

truong-tieu-hoc-tran-quang-khai-7.jpg
Một giờ học của cô trò lớp 4/1 Trường Tiểu học Trần Quang Khải. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo cô Khánh, Trường Tiểu học Trần Quang Khải được xây dựng đã lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Đã có dự án xây mới trường nhưng do vướng mặt bằng nên vẫn chưa thể thực hiện.

“Khi phụ huynh đề xuất sơn sửa bàn ghế, tu bổ lại bục giảng, tôi tán thành và nhận được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường” - cô Khánh nói.

Với tinh thần khẩn trương, 6 phụ huynh cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp tập trung thực hiện kế hoạch vào cuối tuần. Mỗi người một công việc. Chỉ chưa đầy 1 ngày, mọi việc đã xong. Bàn ghế được sơn trở nên mới mẻ, sạch sẽ, bục giảng được xây lại một cách bằng phẳng.

truong-tieu-hoc-tran-quang-khai-5.jpg
Bàn học được "thay áo mới" khiến học sinh vui khi tới trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Đây là một việc làm xã hội hóa giáo dục rất ý nghĩa. Nó là tình cảm, sự chung tay, đồng hành của phụ huynh để môi trường học của con được sạch đẹp, an toàn. Từ khi lớp học được tu bổ, các con cũng vui và hào hứng hơn. Đây cũng là động lực để cô trò chúng tôi dạy và học tốt hơn” - cô Khánh bày tỏ.

Cô Khánh hy vọng trong thời gian tới, phụ huynh sẽ cùng đồng hành với trường để làm cho không gian lớp học của các con có thể trở nên đẹp đẽ, khang trang hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm