Xã hội hóa trong giáo dục cần minh bạch, công khai

(PLO)-  Việc thực hiện xã hội hóa giáo dục đang được nhiều trường học ở TP.HCM triển khai một cách có hiệu quả trên nguyên tắc công khai, tạo sự đồng thuận của phụ huynh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiếp câu chuyện một số trường học ở TP.HCM tuyên bố không thu các loại quỹ mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh vừa qua, vấn đề đặt ra là các trường sẽ hoạt động ra sao khi ngân sách không thể bao cấp hết.

PV Pháp Luật TP.HCM tiếp tục tìm hiểu về việc thực hiện xã hội hóa ở các trường để tạo sự đồng thuận của phụ huynh cũng như nhà tài trợ.

Phụ thuộc ngân sách rất khó nâng cao chất lượng

Trao đổi với PV, hiệu trưởng một số trường đều có chung quan điểm nếu chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước thì trường học rất khó nâng cao chất lượng giáo dục. Trường học cần sự đồng hành của phụ huynh trong việc phát triển cơ sở vật chất cũng như đầu tư về các hoạt động giáo dục.

Công trình sân khấu tại một trường học được xây dựng nhờ chủ trương xã hội hóa. Ảnh: TĐ

Công trình sân khấu tại một trường học được xây dựng nhờ chủ trương xã hội hóa. Ảnh: TĐ

Hiệu trưởng một trường THPT ở khu vực nội thành cho hay: “Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục chỉ đủ tổ chức các hoạt động giáo dục cơ bản. Muốn đa dạng các hoạt động, nâng cao chất lượng cần phải có sự chung tay từ xã hội. Tất nhiên, các hoạt động đó hoàn toàn phục vụ cho học sinh (HS) và được thực hiện minh bạch”.

Cũng theo vị hiệu trưởng trên, năm học 2021-2022 dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn việc mua sắm tập trung máy tính, máy lạnh, máy phôtô. Trong khi đó, nếu không có máy tính thì không thể dạy được môn tin học trở thành bắt buộc trong chương trình mới. Mặt khác, việc mua sắm tập trung nếu không phải tạm ngưng do dịch bệnh cũng gặp khó khăn về thời gian lẫn thủ tục, không thể đáp ứng nhanh nhu cầu hiện tại. Do đó, trường bắt buộc phải vận động phụ huynh cùng trang bị thiết bị cho các em.

Huy động nguồn lực bằng nhiều cách

Để thực hiện xã hội hóa một cách hiệu quả, hiệu trưởng trường THPT nội thành nói trên cho hay căn cứ vào tình hình thực tế, lãnh đạo nhà trường sẽ rà soát hoạt động nào cần sử dụng ngân sách và những hạng mục nào cần huy động xã hội hóa nhưng không có đủ ngân sách. Từ đó trường sẽ lập dự toán và trao đổi, thống nhất với phụ huynh, sau đó xin chủ trương từ Sở GD&ĐT. Nếu được sở đồng ý, trường sẽ thực hiện theo dự toán, theo tinh thần tự nguyện.

Tài trợ theo kế hoạch đột xuất khó thực hiện đồng bộ

Theo hiệu trưởng một trường THCS ở khu vực nội thành TP.HCM, tài trợ theo kế hoạch đột xuất có cái khó là không thể thực hiện đồng bộ. Do đó, hiện nay trường chỉ có hơn 10 lớp được lắp đặt máy lạnh, ba lớp có bảng tương tác, một vài lớp có bộ máy vi tính do được tài trợ. Việc không đồng bộ gây khó cho hiệu trưởng trong quá trình quản lý các tài sản được tài trợ.

Cũng theo vị hiệu trưởng trên, muốn tạo được sự đồng thuận của phụ huynh, trước hết trường phải xác định được công trình đó thực sự cần thiết và phù hợp với đề xuất của phụ huynh. Thứ hai, việc triển khai phải có dự toán cụ thể, vai trò tham gia cụ thể của ban đại diện và được thông tin rộng rãi trong phụ huynh. Đồng thời, việc quyết toán, bàn giao công trình phải được thực hiện hết sức minh bạch, rõ ràng.

“Hầu hết các công trình tài trợ của trường đều thực hiện theo phương thức “chìa khóa trao tay” và tất cả đều vì HS. Năm vừa rồi nhờ xã hội hóa, trường đã xây dựng được một số phòng máy tính” - vị này chia sẻ thêm.

Liên quan đến vấn đề trên, hiệu trưởng một trường THCS ở khu vực nội thành cho biết việc thành lập các loại quỹ ban đại diện lớp, trường không bị cấm nhưng muốn lập quỹ phải có kế hoạch thu chi đúng với điều lệ quy định và không được chi cho các khoản khác ngoài kế hoạch. Điều này rất gò bó và nếu có hoạt động phát sinh thì rất khó thực hiện.

Do không hình thành các loại quỹ, nhà trường thực hiện theo kế hoạch thu đủ bù chi. Nghĩa là khi có hoạt động cần thiết diễn ra, giáo viên chủ nhiệm báo cáo Ban đại diện cha mẹ HS lớp để phối hợp, kêu gọi nhà tài trợ trên tinh thần tự nguyện đóng góp, không cào bằng, không quy định mức hỗ trợ bình quân. Ví dụ như hoạt động văn nghệ 20-11, Ban đại diện cha mẹ HS lớp dựa theo nhu cầu của lớp sẽ nhờ các nhà tài trợ hỗ trợ để tổ chức hoạt động đạt hiệu quả.

“Do đóng góp theo tinh thần tự nguyện nên thực tế nhiều năm qua, có lớp các tiết mục văn nghệ được đầu tư rất hoành tráng từ trang phục đến vũ đạo, có lớp thì rất bình thường theo kiểu có gì dùng nấy” - vị này nói thêm.

Cũng theo vị hiệu trưởng trên, thông thường ngân sách nhà nước không thể cấp đủ để trường trang bị cơ sở vật chất hiện đại theo nhu cầu thực tế dạy và học. Do đó, nhà trường công khai các khoản cơ sở vật chất trường còn thiếu hay cần hiện đại hóa để phục vụ cho HS và thỉnh thoảng cũng nhận được tài trợ đột xuất. Nhà trường rất cảm kích các nhà tài trợ như xây dựng sân khấu, lắp máy lạnh phòng học, trang bị bảng tương tác cho lớp học, hỗ trợ học bổng cho HS nghèo...

Khuyến khích đầu tư kiểu “chìa khóa trao tay”

Việc tiếp nhận tài trợ theo Thông tư 16/2018 quy định về tài trợ cho các trường phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu. Cơ sở giáo dục vận động, tiếp nhận tài trợ để trang bị đồ dùng học tập, xây dựng công trình phục vụ hoạt động giáo dục... Trường học khuyến khích nhà tài trợ thực hiện việc đầu tư, xây dựng theo kiểu “chìa khóa trao tay”.

Thông tư 55/2011 ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS. Theo đó, các khoản kinh phí ủng hộ người học hoặc gia đình người học cho ban đại diện theo nguyên tắc tự nguyện. Kinh phí hoạt động của ban đại diện chỉ sử dụng cho các hoạt động trực tiếp của ban đại diện, không sử dụng cho hoạt động giáo dục của đơn vị.

(Hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM về việc tiếp nhận tài trợ
cho các cơ sở giáo dục và kinh phí hoạt động của Ban đại diện
cha mẹ HS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm