Đừng để lạm thu dưới hình thức xã hội hóa giáo dục!

(PLO)- Xã hội hóa là chủ trương tốt nhưng trường học cần phải thực hiện sao cho đúng để không gây thêm áp lực cho phụ huynh, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyện một trường THCS tại TP Thủ Đức, TP.HCM thông báo không thu các loại quỹ, đặc biệt phụ huynh muốn tài trợ cho nhà trường phải có văn bản đồng ý của Phòng GD&ĐT gây xôn xao mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của dư luận.

Một sự việc tưởng như bình thường nhưng lại trở nên bất bình thường trong tình hình hiện nay. Khi mà cứ vào đầu năm học, việc đóng góp các loại quỹ như quỹ lớp, quỹ trường... dù không được quy định nhưng đã trở thành thông lệ.

Nhiều phụ huynh chia sẻ họ cảm thấy chán khi phải đi họp phụ huynh đầu năm vì nội dung chủ yếu cũng chỉ xoay quanh vấn đề tiền trường.

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT (điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh) và đặc biệt Thông tư 16/2018/TT-BGDDT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ra đời đã phần nào giúp trường học trang bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục nhờ việc xã hội hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, có bao nhiêu trường học trên cả nước đã và đang thực hiện đúng theo tinh thần của Thông tư 16?

Vào ngày 19-8, tại hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023 trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, chia sẻ qua khảo sát ngẫu nhiên trực tuyến (từ ngày 16 đến 18-8) đã ghi nhận được 28.347 phụ huynh tham gia khảo sát. Kết quả khảo sát có 6,6% ý kiến phụ huynh cho rằng các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm cho nhà trường ngoài học phí là quá lớn.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp trên, ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, cho rằng vấn đề lạm thu luôn luôn xảy ra. Lạm thu dưới hình thức xã hội hóa rất nhiều. “Xã hội hóa là giải pháp tốt, tuy nhiên thu thế nào, thu của ai, thu bao nhiêu? Chúng tôi kiến nghị Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT hết sức lưu ý vì điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống gia đình, đặc biệt là những gia đình khó khăn” - ông Mậu nhấn mạnh.

Mới đây, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với các sở, ban ngành về thực hiện chương trình, sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới đây, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, chia sẻ qua khảo sát thực tế, nhiều phụ huynh phản ánh tình trạng một số trường thu hộ gắn máy lạnh, thu hộ bán trú tăng so với năm học trước. Ông đề nghị ngành giáo dục cần xem xét vì chủ trương chung là cố gắng không tăng, nhằm giảm gánh nặng cho phụ huynh.

Dù Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn rất cụ thể về các khoản thu đặc biệt, khoản thu theo thỏa thuận, tuy nhiên một số trường vẫn thực hiện chưa đúng theo quy định. Ở đâu đó vẫn có tình trạng cào bằng, quy định mức tài trợ bình quân dù không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện như nhau. Điều này trái với nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm