Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Siết việc xét tuyển học bạ từ 2025
Cụ thể, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng, Điều 6 được dự kiến sửa đổi, bổ sung như sau:
Đối với phương thức xét tuyển, sẽ dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác);
Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm;
Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển. Khi đó, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Như vậy, các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ dùng 4 tổ hợp như hiện nay, nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn. Mặt khác, khi xét tuyển học bạ, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.
Dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20%
Cũng theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.
Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, công bố công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển; số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố của mỗi ngành, nhóm ngành đào tạo; không được yêu cầu thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung theo bất cứ hình thức nào.
Cơ sở đào tạo công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung.
Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Đồng nghĩa, các trường không thể sử dụng đồng thời thang điểm 30 khi xét học bạ hay kết quả thi tốt nghiệp THPT và dùng thang 150 khi xét bằng điểm thi đánh giá năng lực như vẫn thực hiện.
Các phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Do đó, các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các cơ sở giáo dục tổ chức.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, các trường đại học sử dụng hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực, tư duy, kết hợp...).
Trong đó, nhiều trường xét học bạ từ tháng 1 với điểm của 3 hoặc 5 học kỳ, không bao gồm kỳ II lớp 12. Một số trường công bố điểm chuẩn học bạ rất sớm, ngay trong tháng 3 khiến học sinh lơ là việc học.
Cục Quản lý chất lượng nhìn nhận việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp, nhiều em điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích, tạo tâm lý xã hội không tốt cho hàng ngàn thí sinh và phụ huynh.