Sáng 25-12, trong phần phát biểu, đại diện gia tộc họ Trần đã nói: “Thay mặt gia tộc họ Trần, cảm ơn Đảng và nhà nước, chính quyền TP.HCM đã tổ chức lễ tang cấp nhà nước cho ông tôi là GS Trần Văn Giàu, linh cữu của ông được đưa về đất mẹ theo đúng như ý nguyện của ông”.
1.7 giờ 30 sáng 25-12, Trưởng ban Lễ tang - ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã long trọng đọc điếu văn tiễn đưa linh cữu GS, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu - nguyên Bí thư xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ - về an nghỉ trong lòng đất mẹ tại xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, Long An.
Điếu văn đã nhắc nhớ những chặng đường cuộc đời của ông từ một thanh niên yêu nước, một nhà cách mạng kiên trung, một nhà giáo, một nhà khoa học, một cây đại thụ về khoa học chính trị, khoa học xã hội Việt Nam, kho sử quý giá của dân tộc. Trong điếu văn, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh: “Ông còn là một người con hiếu thảo với gia đình, một người chồng yêu thương vợ con hết mực. Cả thời trai trẻ, ông sống xa cha mẹ, vợ con vì phục vụ cách mạng. Ước nguyện được nằm cạnh cha mẹ và người vợ thủy chung, son sắt của ông, chúng tôi sẽ làm tròn. GS Trần Văn Giàu là tấm gương người cộng sản ngời sáng để các thế hệ hiện nay và mai sau noi theo. Chúng tôi ghi nhớ công lao của ông và nguyện làm theo những tâm huyết mà ông nhắn nhủ…”.
Long trọng tiễn đưa linh cữu GS Trần Văn Giàu về quê hương Long An. Ảnh: TT
2. Cô Trần Thị Tím, 60 tuổi, người đã chăm sóc cho ông bà đến những ngày cuối đời, nhớ lại: “Ông là người sống rất tình cảm, trung hiếu với cha mẹ, chung thủy với vợ. Từ năm 2005, sau khi bà mất, sức khỏe của ông cũng kém hẳn, thường hay vào nằm viện hơn. Chứng bệnh viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính đã khiến ông chống chọi khó khăn hơn với bệnh tật tuổi già. Từ đó, những lúc khỏe là ông hay đòi về quê mẹ. Chuẩn bị sẵn cho chuyến đi xa, ông và bà đã xây kim tĩnh cho mình. Xây xong ông có về quê xem, thấy kim tĩnh của vợ chồng ông cao hơn, đẹp hơn của ba mẹ mình, ông không hài lòng, yêu cầu phải xây thấp hơn mộ phần của ba mẹ mình và làm đơn giản thôi”.
Cô Tím kể tiếp, khi bà Đỗ Thị Đạo - vợ ông lâm bệnh nặng, hôm bà mệt quá, cô có đề nghị ông nên đưa bà đi bệnh viện nhưng ông lắc đầu khiến cô rất đỗi ngạc nhiên. Sau này ông mới thủ thỉ với cô rằng ông biết bà yếu lắm rồi, khó mà qua khỏi. Cả thời tuổi trẻ ông bận làm cách mạng không chăm sóc cho bà, những ngày, những giờ cuối đời để bà ở nhà ông chăm sóc và phải trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay ông… “Những ngày ông nằm BV Thống Nhất, các bác sĩ rất tận tâm chăm sóc, lúc tỉnh ông thều thào: “Nhớ đưa ông về nhà!” - cô Tím rưng rưng kể.
Hàng ngàn người dân xã Dương Xuân Hội và các xã lân cận đến tiễn GS Trần Văn Giàu về an nghỉ nơi đất mẹ. Ảnh: TT
3. Buổi tiễn đưa GS Trần Văn Giàu về cõi vĩnh hằng có sự tham dự của nhiều cụ cao tuổi với nỗi niềm xúc động khôn nguôi. “Tôi kính trọng nhân cách và yêu quý chú Sáu. Sau khi dự lễ truy điệu chú Sáu, vì sức khỏe không tốt, tôi định ra về mà không đặng nên theo đoàn xe tang đưa chú Sáu về tận quê nhà” - cụ Nguyễn Đình Khuê (80 tuổi, Hội Người cao tuổi TP.HCM) nghẹn ngào.
Có mặt tại quê nhà GS Trần Văn Giàu từ 7 giờ sáng, cụ Huỳnh Văn Thắng (85 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (1976-1979), bùi ngùi: “Nghe thông báo lễ truy điệu chú Sáu làm sớm, chúng tôi - thế hệ con cháu của chú gồm mấy anh em theo cách mạng sống rải rác ở Long An, Tiền Giang đã tụ về đây đưa linh cữu chú vào lòng đất mẹ mới an lòng”.
Cụ Thắng cho biết thêm hồi cụ còn là học sinh, tiếng tăm của chú Sáu Giàu đã vang khắp Long An và Nam Kỳ lục tỉnh vì là một trong bốn người đỗ tú tài. “Mãi đến năm 1945-1946, chúng tôi mới có dịp gặp trực tiếp chú Sáu. Chú dạy chúng tôi lòng trung thành với cách mạng, ý chí kiên cường chống ngoại xâm. Chú sống rất giản dị, chan hòa, bao dung với đồng đội, từ tốn với thế hệ con cháu” - cụ Thắng nhớ lại.
Tiễn biệt GS Trần Văn Giàu, hàng ngàn người dân Long An đã đổ ra đường đứng trang trọng, kính cẩn nghiêng mình đưa người con ưu tú của quê hương về đất mẹ. Tấm lòng vì dân, vì nước, cùng nhân cách cao cả và trí tuệ mẫn tiệp ấy sẽ còn in mãi trong triệu trái tim Việt Nam!
QUỐC VIỆT