Tôi cũng đã từng ăn nằm cùng con trong BV Nhi đồng 1 vật vã gần nửa tháng trời và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như thế.
Lúc đầu cứ thấy con tôi trở nặng tí hay uống thuốc không bớt là hai vợ chồng tôi lại cuống lên, muốn bác sĩ phải thăm khám ngay, cho thuốc thêm nữa. Muốn ngay khi bác sĩ... chạm tay vào con tôi phải khỏi bệnh liền, uống thuốc vào là con phải hết đau ngay. Thấy bác sĩ, y tá không... cuống lên theo tôi, đã chạm tay vào mà con cũng không đỡ là trong người tôi đã sôi sục cả lên, nghi ngờ hậm hực đủ thứ.
Nhưng qua vài ngày tôi nhận ra các bác sĩ ở đây quá bận. Bệnh nhân quá đông và ai cũng cồn cào nóng ruột con y như tôi. Việc khám bệnh lại cần phải quy trình, có thời gian theo dõi và thời gian bệnh nhân hồi phục. Việc chữa trị mỗi người cũng không giống nhau nên sẽ có những ngoại lệ. Phác đồ điều trị có thể phù hợp với người này mà không phù hợp với người kia nên chuyện đáng tiếc (nếu có) xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Ngày đó, phòng bệnh con tôi nằm “đông như quân Nguyên”, toàn ca bệnh nặng (khoa Nhiễm). Tôi phải tranh thủ ngả lưng dưới... gầm giường bệnh vì không có chỗ (bệnh nhi quá đông, một bé phải nằm chung với hai, ba bé là rất bình thường. Hành lang cũng chật cứng không còn một chỗ trống. Khi đó người nhà có được chỗ nằm dưới gầm giường là hạnh phúc lắm rồi đó, không thì cứ đứng ngồi vạ vật ở hành lang thôi.
Bệnh nhi đông hai, ba bé phải nằm chung một giường
Bệnh nhi đông, bệnh lại nặng, toàn những là viêm màng não, là co giật, là biến chứng... mỗi giờ mỗi phút đều là những đỉnh điểm cung bậc cảm xúc ko thể chịu đựng của con người. Bệnh nhân toàn là nhỏ xíu xiu, khóc la kêu thét, người nhà bức xúc hối thúc, cắp con chạy tới chạy lui lên xuống phòng khám. Bác sĩ căng thẳng chồng căng thẳng, 2-3 giờ sáng phòng cấp cứu vẫn tấp nập như thường.
Con tôi khi đó cứ sốt, ói, kêu đau đầu nên phải nằm theo dõi viêm màng não. Tôi lo sợ nên gọi điện thoại gửi gắm tùm lum, kêu cả ông anh làm cảnh sát điều tra... ma túy gửi gắm trưởng khoa giùm, người quen bác sĩ gửi đủ cả. Bác sĩ đến khám còn tưởng con tôi là con của một quan chức nào đó vì có quá nhiều người gửi gắm.
Tuy vậy việc khám, chữa bệnh cho con tôi không thay đổi tẹo nào so với các bệnh nhi khác, vẫn đúng trình tự, thủ tục thăm khám. Khi đó tôi cảm thấy khá bức xúc, lo lắng nhưng nhìn lại khi đó có rất nhiều bệnh nhi bị đau nặng hơn con tôi nên tôi cũng hiểu phần nào.
Hành lang cũng không còn lối đi
Con tôi được cho ra viện khi còn... đang đau đầu và bắt đầu tiêu chảy toàn nước (con gái tôi khi ra viện sau 11 ngày điều trị người gầy như somali, chỉ còn 11 kg khi đã... ba tuổi). Hai vợ chồng tôi thắt ruột, cũng trách móc (thầm) bác sĩ, bệnh viện đủ điều vì cho ra viện sớm. Nhưng qua hai ngày, làm theo đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ, con tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn. Và tôi thấy rất xấu hổ khi đã trách móc bệnh viện, bác sĩ khi đó, dù chỉ là trách thầm.
Bình tâm lại tôi cũng mới hiểu bệnh viện khi đó quá đông, không đủ giường bệnh nằm nên phải cho xuất viện bớt những bệnh nhân nào đã qua nguy hiểm, sắp khỏi bệnh hẳn. Vì quá lo lắng cho con mà tôi đã bỏ qua không hiểu ngay những lời giải thích của các bác sĩ lý do khi cho con mình xuất viện khi đó (con tôi bị tiêu chảy là kết quả tất yếu của một thời gian phải uống kháng sinh, chỉ thế thôi nên không nguy hiểm nếu làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ khi về nhà).
Nghề bác sĩ quá cực nhọc, vất vả nhưng thật sự vinh quang
Qua sự việc lần đó, tôi đã thấy hiểu nhiều hơn, thông cảm nhiều hơn với các bác sĩ. Nghề bác sĩ quá cực nhọc, vất vả nhưng thật sự vinh quang. Họ xứng đáng được tôn vinh và trân trọng vì công việc họ đang làm hằng ngày: cứu người, từng giờ từng phút cứu người. Một con sâu ko thể làm rầu được cả nồi canh, không nên vì một cá nhân nào đó mà phủi bỏ quay lưng với tất cả công sức của những con người còn lại.
Với tôi, bác sĩ luôn và mãi là một ngành nghề cao quý, đáng trân trọng. Cám ơn những người thầy thuốc của nhân dân.