Theo trang Business Insider, gói hỗ trợ quân sự mới từ Lầu Năm Góc sẽ đẩy mạnh năng lực phản công ở cự ly gần của quân đội Ukraine trước phía Nga. Điều này nhiều khả năng sẽ giúp Kiev giành lại các vùng lãnh thổ đã rơi vào tay Moscow.
Nhiều dấu hiệu cho thấy Ukraine sẽ phản công ở cự ly gần
Thứ nhất, các quan chức Ukraine đã công khai thảo luận về một cuộc tấn công vào TP chiến lược Kherson đang bị Nga kiểm soát.
Theo Kiev, các lực lượng Ukraine cần phải phản công, đặc biệt là trên các khu vực Nga đang cố thủ. Một cuộc phản công thành công phải bao gồm khả năng tấn công từ nhiều khoảng cách khác nhau.
|
Các binh sĩ Mỹ bắn một tên lửa TOW từ một chiếc Humvee vào năm 2017. Ảnh: VỆ BINH QUỐC GIA MỸ |
Hiện có rất ít bằng chứng dọc tiền tuyến cho thấy Ukraine sẽ thực hiện một chiến dịch đòi hỏi số lượng lớn quân đội, xe bọc thép và vũ khí tầm xa.
Thứ hai, tuần trước, Mỹ cho biết khoản hỗ trợ gần 800 triệu USD mà nước này gửi Ukraine sẽ bao gồm 40 phương tiện chống bom được trang bị các trục lăn giúp kích nổ mìn, cũng như các loại pháo nhẹ hơn, dễ di chuyển hơn so với những vũ khí Mỹ gửi trước đó.
Khoản viện trợ cũng sẽ bao gồm súng trường không giật có tầm bắn vài trăm mét và bệ phóng tên lửa có phạm vi dưới 5 km - gần hơn nhiều so với khoảng cách hiện tại giữa lực lượng Ukraine và Nga ở các khu vực tiền tuyến.
Ngày 19-8, một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết các loại vũ khí này có thể thúc đẩy lực lượng Ukraine tiến lên và giành lại lãnh thổ.
“Những vũ khí này đang tăng cường khả năng di chuyển của Ukraine trong môi trường rất thách thức ở chiến trường miền nam” - quan chức Lầu Năm Góc nói.
Quan chức này cũng cho biết các loại xe bọc thép (với tên gọi MRAP) sẽ che chắn quân đội khỏi các vụ nổ và hỏa lực từ các vũ khí hạng nhẹ, trong khi có thể kích hoạt mìn bằng các con lăn ở đầu phương tiện.
|
Binh sĩ Úc bắn súng trường không giật Carl Gustaf trong cuộc huấn luyện năm 2014. Ảnh: THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ |
Các tên lửa TOW được gửi tới Ukraine có thể được đặt trên một bệ ba chân lớn hoặc chất lên phía sau của các loại phương tiện như xe quân sự Humvee. Năng lực này cho phép quân Ukraine phóng tên lửa và nhanh chóng rút chạy để tránh bị bắn trả.
Ngoài ra, xe Humvee cũng có thể được sử dụng để vận chuyển các loại pháo cỡ nòng 105mm. Loại pháo này có cơ động cao hơn so với các loại pháo M777 Mỹ từng gửi Ukraine.
Gói hỗ trợ mới cũng bao gồm 2.000 viên đạn dùng cho súng trường không giật Carl Gustav. Các loại vũ khí này được bộ binh mang theo để bắn đạn 84mm vào các phương tiện và vị trí chiến đấu trong phạm vi vài trăm mét.
Mỹ thay đổi cách hỗ trợ quân Ukraine?
Những chi tiết trong gói vũ khí mới đã cho thấy Mỹ đang thay đổi cách hỗ trợ quân Ukraine.
Viện trợ an ninh của Mỹ trong những tháng trước chủ yếu tập trung vào các tên lửa tầm xa và các loại pháo như Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) để hỗ trợ Ukraine trong các trận chiến ở Donbas, theo Business Insider.
Những vũ khí đó đã giúp Ukraine nhắm mục tiêu chính xác vào các sở chỉ huy và kho đạn, cũng như làm giảm quy mô pháo kích của Nga.
Tuy nhiên, các loại vũ khí này đã không giúp Kiev thay đổi cục diện chiến sự.
Quân đội Ukraine đã gặp khó khi tấn công các lãnh thổ do Nga kiểm soát. Đơn cử là cuộc tấn công gần tỉnh Kherson vào tháng 6. Tuy nhiên, sau khi giành lại một số khu vực trong tỉnh này, đà tiến của Ukraine gần như đã ngừng lại kể từ đó.
Nhận định của chuyên gia
Dù vậy, theo ông Rob Lee - học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) và là chuyên gia về quân đội Nga, gói hỗ trợ mới của Lầu Năm Góc không phải là dấu hiệu cho thấy Ukraine sắp phản công ở cự ly gần.
Theo ông, các vũ khí mới có thể có các mục đích sử dụng khác. Một số thiết bị, chẳng hạn như MRAP, có thể không lý tưởng để cận chiến vì hình dạng và tầm nhìn hạn chế.
Ông nhận định lý do Lầu Năm Góc gửi gói quân sự này cho Kiev là do muốn “dọn kho” vũ khí cũ, thay vì tiếp tục gửi các vũ khí quan trọng và đắt tiền trong kho dự trữ quan trọng. Hiện các phương tiện như Humvees hay MRAP, và vũ khí như TOW đã được Washington cho “nghỉ hưu”.
Ông cũng cho rằng một cuộc phản công với nhiều quân và phương tiện có thể không phải là chiến lược tốt nhất dành cho Kiev.
Theo ông, Ukraine đã thành công trong việc bắn phá các mục tiêu Nga bằng tên lửa tầm xa và tấn công các khu vực chiến lược của Moscow trên bán đảo Crimea. Điều này đã khiến người Nga dần cảm thấy việc ở xa chiến trường đã không còn an toàn nữa.