Đã tròn nửa năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine vẫn mạnh mẽ và thống nhất một cách bất ngờ, theo đài CNN.
Bất chấp việc quan hệ bị rạn nứt dưới thời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump và đại dịch COVID-19, Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất hỗ trợ tài chính và vũ khí cho chính quyền Kiev. Liên minh còn đạt được các thỏa thuận ngừng sử dụng năng lượng Nga, cũng như trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin và đồng minh thân cận.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Giới chức phương Tây dần lo ngại rằng sự đồng thuận có thể tan vỡ khi châu lục này bước vào một mùa đông ảm đạm với giá lương thực tăng, thiếu năng lượng để sưởi ấm và nguy cơ suy thoái kinh tế đang chực chờ.
Bé gái Ukraine đứng trên một xe tăng của Nga bị phá hủy ở thủ đô Kiev. Ảnh: REUTERS |
Theo CNN, mùa đông sắp tới sẽ là phép thử đối với sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine.
Châu Âu phải cắt giảm năng lượng
Hiện thủ đô Berlin của Đức đã tắt đèn chiếu sáng các tượng đài để tiết kiệm điện, còn các cửa hàng ở Pháp được yêu cầu đóng cửa trong khi bật điều hòa, nếu không sẽ bị phạt tiền.
Ông Keir Giles - chuyên gia tư vấn cấp cao tại tổ chức tư vấn Chatham (Mỹ) nhận định, thách thức hiện tại của Ukraine là duy trì sự ủng hộ của phương Tây trong bối cảnh các gói hỗ trợ cho chính quyền Kiev đang khiến tình hình các nước này trở nên khó khăn hơn.
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu mùa đông là điều mà các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu đang lo ngại. Nga chiếm khoảng 55% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021. Hiện các nước thành viên EU đang cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt của Nga.
Xe tăng của lực lượng Ukraine khai hỏa ở tỉnh Donetsk ngày 12-8. Ảnh: REUTERS |
Tuy nhiên, thỏa thuận này chủ yếu mang tính tự nguyện và các quan chức lo ngại rằng một khi tình hình tồi tệ hơn, một số nước EU sẽ từ bỏ thỏa thuận này. Theo ông Giles, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky sẽ rất khó duy trì sự ủng hộ từ phương Tây nếu xung đột vẫn tiếp tục.
"Đó có thể là lý do tại sao ông Zelensky nói rằng ông ấy muốn xung đột kết thúc trước Giáng sinh" - ông Giles nói.
Châu Âu dần nhận ra vấn đề thật sự
Các quan chức cũng lo ngại rằng chiến lược trang bị vũ khí cho Ukraine của phương Tây đang trở thành giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề dài hạn: một cuộc chiến không có điểm kết thúc rõ ràng.
Bên cạnh những chi phí kinh tế và quân sự, mùa đông sắp tới có thể là một yếu tố khiến phương Tây nản lòng.
Vài tháng tới sẽ là thời gian khó khăn nhất đối với các quốc gia châu Âu. Khi mùa đông đến, người dân có thể sẽ phải lựa chọn giữa thực phẩm và năng lượng sưởi ấm. Nguyên nhân là do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Ngoài ra, việc dân số ở các nước này tăng đáng kể sau khi tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Ukraine cũng khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn.
Những yếu tố kể trên có thể không khiến phương Tây chấm dứt viện trợ Ukraine, song nhiều khả năng giá trị của các gói hỗ trợ sẽ phần nào bị ảnh hưởng, theo CNN.
Châu Âu có thể gây sức ép buộc Ukraine thương lượng với Nga
Theo các nguồn tin của CNN, giới chức phương Tây lo ngại rằng vào một thời điểm nào đó, các nhà lãnh đạo sẽ nhận thấy một thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine là điều tốt nhất, và sẽ quay lưng lại với Ukraine, vốn nhiều lần thể hiện mong muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ.
Một số quốc gia Tây Âu, đáng chú ý nhất là Đức và Pháp, đã tuyên bố công khai rằng phương Tây và Moscow phải đối thoại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nhiều lần khẳng định ông tin rằng một lúc nào đó các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cần phải diễn ra.
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS |
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bị chỉ trích vì những phát ngôn không thống nhất về khí đốt của Nga và gần đây nhất là về việc liệu châu Âu có nên ngừng cấp thị thực cho du khách Nga hay không.
"Ở một số nơi, ngày càng có nhiều lo ngại rằng nếu Ukraine thất thế trước Nga, điều này có thể thúc đẩy phương Tây tăng sức ép buộc Kiev thương lượng với Moscow" - bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga-Âu-Á, nói với CNN.
Bà chỉ ra rằng điều này sẽ rất quan trọng vì nhiều đồng minh chủ chốt của Ukraine cũng đang phải trải qua những giai đoạn chính trị đầy biến động ở quê nhà. Ý sắp bầu cử, Anh sẽ có thủ tướng mới và Mỹ sẽ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ.
"Ngay khi mọi người cảm thấy rằng Kiev đang thất thế, họ có thể bắt đầu tự hỏi rằng tại sao mình phải tiếp tục gửi vũ khí đắt tiền cho Ukraine vào thời điểm kinh tế đang căng thẳng” - bà nói.
Mọi thứ sắp trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Hầu hết quan chức thừa nhận rằng không ai biết cuộc xung đột này sẽ kết thúc như thế nào. Và dù phương Tây muốn thấy Ukraine đạt được mục tiêu đẩy lùi quân Nga, quyết tâm thực sự của họ vẫn chưa được kiểm chứng.
Theo CNN, việc các đồng minh có tiếp tục ủng hộ Ukraine hay không sẽ được thể hiện rõ nhất trong vài tháng tới.