Thấy gì từ các cuộc tấn công vào mục tiêu Nga ở Crimea?

(PLO)- Theo giới phân tích, nếu Ukraine đứng sau hai cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự ở bán đảo Crimea do Nga quản lý, điều này sẽ đặt ra một câu hỏi lớn về cục diện của xung đột.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ Asia Times, chỉ trong tuần qua đã có hai cuộc tấn công lớn nhằm vào các mục tiêu quân sự ở bán đảo Crimea do Nga quản lý. Các đám cháy đã phá hủy một bãi chứa đạn dược và máy bay quân sự và khiến 3.000 người phải sơ tán.

Sau hai cuộc tấn công, nghi ngờ đổ dồn về phía Ukraine. Nhiều người cho rằng chính Kiev đứng sau các sự kiện này. Trên tờ The Conversation, ông Christoph Bluth - GS Quan hệ Quốc tế và An ninh (ĐH Bradford), nhận định các lực lượng Ukraine đã tấn công Crimea và bước đầu đạt được một số mục tiêu Kiev đặt ra.

Ngoài ra, các cuộc tấn công cũng đặt ra một câu hỏi lớn về khả năng Ukraine giành lại được toàn bộ lãnh thổ sau khi xung đột kết thúc.

Nga làm gì sau khi bị tấn công?

Theo GS Bluth, nếu đúng là Ukraine đứng sau các cuộc tấn công, điều này đã tạo ra một số lợi thế nhất định cho nước này trong xung đột, nhất là khi Kiev chuyển mục tiêu sang giành lại lãnh thổ ở phía nam, trong đó trọng tâm là Crimea.

Kho đạn của quân đội Nga tại làng Mayskoye (quận Dzhankoi, bán đảo Crimea) phát nổ ngày 16-8. Ảnh: PLANET LABS

Kho đạn của quân đội Nga tại làng Mayskoye (quận Dzhankoi, bán đảo Crimea) phát nổ ngày 16-8. Ảnh: PLANET LABS

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã thay thế chỉ huy hạm đội Biển Đen chỉ ba ngày sau khi căn cứ không quân Saki của Nga ở Crimea bị tấn công.

Trong khi đó, các máy bay Nga đang được chuyển đến các căn cứ nằm sâu hơn bên trong bán đảo hoặc vào đất liền. TP Sevastopol - nơi đặt trụ sở chỉ huy hạm đội Biển Đen, cũng đang trong tình trạng báo động cao.

Các nhà chức trách Nga đã thừa nhận rằng bom đạn được cất giữ tại căn cứ không quân Saki ở Crimea đã phát nổ vào ngày 16-8 song không nói rõ về thiệt hại. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh do các công ty độc lập ghi lại đã cho thấy tám máy bay phản lực quân sự của Nga tại căn cứ đã bị phá hủy.

Kế hoạch đánh du kích của Ukraine?

Theo GS Bluth, Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Dù Ukraine trước đó đã vạch ra kế hoạch giành lại toàn bộ lãnh thổ, song một cuộc phản công như vậy là điều khiến ông bất ngờ. Ông nhận định Ukraine có các phương tiện để phòng thủ hiệu quả, nhưng hiện đang thiếu quân số và trang thiết bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn.

Để củng cố lập luận của ông rằng Ukraine đứng sau cuộc tấn công ở Crimea, ông Bluth nhắc lại việc Kiev đang muốn khắc phục tình trạng thiếu hụt quân số bằng cách làm suy yếu khả năng của các lực lượng Nga ở tiền tuyến.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết các kế hoạch bao gồm tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ do Nga kiểm soát (đặc biệt là Crimea) nhằm làm suy yếu khả năng của các lực lượng Nga ở tiền tuyến.

Ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ không quân Saki của Nga trên bán đảo Crimea ngày 9-8 (trái) và ngày 10-8. Ảnh: Planet Labs/Reuters

Ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ không quân Saki của Nga trên bán đảo Crimea ngày 9-8 (trái) và ngày 10-8. Ảnh: Planet Labs/Reuters

Ông Reznikov cũng chỉ ra Các cuộc tấn công ở Crimea nhắm mục tiêu vào các máy bay và bãi chứa đạn dược của Nga.

Trên tờ Washington Post, ông Reznikov nói: “Chúng tôi đang dùng chiến lược phá hủy kho dự trữ của Nga, hủy hoại kho hàng, trụ sở, khu chỉ huy của Nga..."

Nếu Ukraine đứng sau cuộc tấn công, liệu chiến sự có đảo chiều?

Nếu Kiev đứng sau cuộc tấn công, điều này đang chứng tỏ năng lực của quân đội Ukraine.

Đầu tiên, nó cho thấy Ukraine có khả năng triển khai lực lượng kháng chiến và lực lượng đặc biệt bên trong Crimea và có thể là các vùng lãnh thổ khác để tấn công kiểu du kích vào lực lượng Nga. Chiến thuật này khả năng cao sẽ khiến Moscow tiêu tốn nhiều nhân lực và vật lực hơn, và tạo ra lợi thế ở tiền tuyến cho Ukraine.

Thứ hai, Ukraine không có tên lửa với tầm bắn có thể nhắm vào các căn cứ của Nga bên ngoài lãnh thổ do Ukraine kiểm soát, vì vậy đây là một chiến thuật mới.

Điều này có thể tạo ra một cục diện mới trong cuộc xung đột, khi Crimea giờ đây trở thành một vùng lãnh thổ không an toàn bị kéo vào cuộc chiến - một bước tiến có thể đe dọa sự kiểm soát của Nga ở miền đông Ukraine.

Chuyên gia bàn về triển vọng Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ

Crimea là điểm nóng tranh chấp giữa Nga và Ukraine kể từ khi Liên Xô tan rã. Tháng 2-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Theo GS Bluth, giới lãnh đạo Nga đang dần hiểu rằng an ninh của Crimea không còn được đảm bảo. Trong khi đó, rõ ràng, Ukraine vẫn duy trì mục tiêu đẩy Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ, bao gồm Crimea, theo GS Bluth.

Ngày 19-3-2021, gần một năm trước khi chiến dịch quân sự của Nga nổ ra, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã thông qua chiến lược giành lại Crimea và tái sáp nhập bán đảo này với phần còn lại của đất nước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó không có triển vọng về một chiến dịch quân sự để đạt được điều này.

Hiện nay khi Nga và Ukraine đang trong cuộc xung đột, Kiev nhấn mạnh quan điểm rằng Nga phải rút hoàn toàn khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, liệu Kiev có thực hiện được mục tiêu này hay không vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Các nhà phân tích ở Ukraine và phương Tây hiện tin rằng ở thời điểm này, chuyện Nga tham gia vào các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột là điều không thể xảy ra, bất chấp tình hình hiện tại ở Crimea.

Thay vào đó, GS Bluth cho rằng Crimea có thể trở thành một trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán.

GS Bluth dự đoán các đồng minh có thể sẽ gây sức ép buộc Ukraine nhanh chóng kết thúc một cuộc xung đột kéo dài thay vì dồn sức để giành lại toàn bộ lãnh thổ.

Một vấn đề khác khiến việc giành lại Crimea là điều dường như không thể đối với Ukraine là vì khu vực này có phần lớn dân số nói tiếng Nga, với 60% dân số là người Nga.

Theo GS Bluth, kết quả cuối cùng sẽ không chỉ phụ thuộc vào chiến dịch quân sự mà còn phụ thuộc vào thái độ của người dân ở Crimea.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm