Ngày 20-7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, thống kê từ đầu năm đến 17-7-2022 đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, trong tháng 6 đã ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với số mắc ghi nhận trong tháng 5.
Theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, tổng số bệnh nhân mắc cúm trên địa bàn Hà Nội điều trị tại bệnh viện là 252 trường hợp, bệnh nhân ghi nhận chủ yếu ở nhóm đối tượng trẻ dưới 5 tuổi chiếm 44,1%, tiếp đó là nhóm tuổi 18-49 tuổi chiếm 39,7%. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú; 71 trường hợp có chỉ định nhập viện (chủ yếu là trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, hầu hết điều trị khỏi sau 3-4 ngày điều trị).
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc bệnh cúm A hoặc B trên toàn cầu.
Trong các đợt dịch cúm mùa, ước tính có khoảng 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng và 290.000 – 650.000 ca tử vong liên quan đến hô hấp.
Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B, bệnh có thể xảy ra quanh năm. Năm 2019 cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm trong đó có 10 trường hợp tử vong do bệnh cúm mùa.
Bệnh nhân cúm A điều trị tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: NHƯ LOAN |
Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, mọi người cần hiện tốt các biện pháp sau:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tiêm vaccine cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.