Bất thường: Cúm A sinh sôi giữa mùa hè

(PLO)- Nếu các năm trước cúm A chỉ xuất hiện vào mùa đông xuân thì năm nay virus này sinh sôi ngay giữa mùa hè.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Bất thường: Cúm A sinh sôi giữa mùa hè

Gần đây, một số bệnh viện (BV) tại Hà Nội đã tiếp nhận hàng loạt ca bệnh nhiễm cúm A với nhiều lứa tuổi khác nhau. Các bác sĩ (BS) nhận định đây là điều bất thường, bởi mọi năm dịch sốt xuất huyết trước rồi mới đến cúm A vào mùa đông xuân nhưng năm nay quy trình bị đảo ngược. Hiện số ca cúm A tại một số BV đang lấn át ca bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh nhân cúm A điều trị tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: NHƯ LOAN

Bệnh nhân cúm A điều trị tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: NHƯ LOAN

Cúm A bùng phát trái mùa

Theo TS Văn Đình Tráng, phụ trách Khoa vi sinh - sinh học phân tử BV Bệnh nhiệt đới trung ương, trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa thời gian qua có tới 60% dương tính với cúm A.

Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân (BN) mắc cúm A mà BV Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy là BN nữ (78 tuổi, Hà Nội), được đưa vào BV cấp cứu khi đã diễn biến bệnh ở ngày thứ ba với các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, sốt 39 độ C, ho nhiều. Theo các BS, BN được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A. Sau một ngày điều trị, BN gia tăng tình trạng khó thở, chỉ số SpO2 giảm còn 83%, các BS buộc phải đặt ống nội khí quản cho BN thở máy xâm nhập.

Trường hợp tiếp theo là một BN nam (65 tuổi) bị lây cúm A từ người nhà. Sau khi mắc bệnh, sức khỏe BN diễn tiến xấu, xuất hiện tình trạng viêm phổi. Hiện BN đang được các bác sĩ điều trị và theo dõi sát.

BS Lê Văn Thiệu, Khoa nhiễm khuẩn tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết mới đây BV tiếp nhận cùng lúc gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm, đều là công nhân một khu công nghiệp ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Ngoài ra có cả học viên của một lớp học tiếng nước ngoài cũng đến BV khám. Các BN ở độ tuổi 20-30, triệu chứng tương đối giống nhau như đau đầu, sốt, nhức mỏi người. Kết quả xét nghiệm cho thấy hầu hết dương tính với cúm A.

“Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Những trường hợp phải nhập viện chủ yếu có bệnh lý nền, người cao tuổi và phụ nữ có thai. Năm nay cúm A diễn biến bất thường vì mọi năm cúm A thường vào mùa đông xuân thì năm nay lại rơi vào giữa hè. Đây cũng là bệnh lây qua đường hô hấp, nguy hiểm hơn so với COVID-19” - BS Thiệu nói, đồng thời giải thích nguyên nhân khách quan là do mùa cúm đông xuân trước trùng với đợt bùng phát dịch COVID-19, lúc đó các biện pháp cách ly phòng bệnh COVID-19 chặt khiến dịch cúm không thể lây lan được. Chính điều này vô tình làm cho kháng thể kháng cúm trong cộng đồng bị giảm mạnh, các biện pháp tiêm phòng vaccine cúm không được chú trọng… dẫn đến virus cúm A sinh sôi giữa mùa hè.

Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm kháng thể cũng dần ít đi. Do vậy, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động.

Tiêm vaccine duy trì hiệu giá kháng thể

Theo các BS, cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông xuân khi giao mùa. Bệnh lây qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

BS Thiệu cho rằng để duy trì hiệu giá kháng thể thì cần phải tiêm vaccine cúm hằng năm. Tiêm vaccine hiệu quả nhất là vào mùa thu, do đó hiệu giá kháng thể sẽ cao trong mùa cúm là mùa đông xuân. “Hiện đang là thời điểm thích hợp để tiêm phòng cúm nếu chưa mắc và tiếp tục tiêm mũi tiếp theo vào cuối mùa thu năm nay” - BS Thiệu nhấn mạnh.

BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa bệnh nghề nghiệp BV Thanh Nhàn, cũng cảnh báo virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi.

“Cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp giống như COVID-19. Để phòng bệnh, người dân cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người. Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước sạch, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Cạnh đó, cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng” - BS Hường khuyến cáo.•

Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày BV Thanh Nhàn tiếp nhận 10-15 BN cúm A, nhiều hơn so với các tuần trước chỉ lác đác vài ca nhập viện. Hầu hết BN vào viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Cá biệt có trường hợp viêm phổi suy hô hấp nhưng đã được can thiệp kịp thời, sức khỏe BN hiện đã ổn định.

BS NGUYỄN THU HƯỜNG, Trưởng Khoa bệnh nghề nghiệp BV Thanh Nhàn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm