Hà Nội mưa lịch sử, hệ thống thoát nước không ứng phó nổi

(PLO)- Dù trận mưa lớn chiều 29-5 đã được cảnh báo sớm nhưng do mưa quá lớn, hệ thống thoát nước của Hà Nội không ứng phó nổi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trận mưa lớn kéo dài trong 2 giờ đồng hồ chiều 29-5 đã khiến nhiều khu vực của Hà Nội ngập sâu. Khu nội thành đã bị ngập nặng, ùn tắc kéo dài, nhiều phương tiện giao thông bị ngâm trong nước… Đáng chú ý, có những nơi ngập hơn nửa mét, xe cộ di chuyển vô cùng khó khăn. Có nhiều người dân phải tắt máy, dắt bộ xe trong nước.

Mưa gấp đôi năng lực thoát nước của Hà Nội

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (DBKTTVQG), trận mưa trên đã được cảnh báo sớm. Theo đó, khu vực Hà Nội đến đêm 30-5 có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa lớn lịch sử gây ngập nặng tại phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chiều 29-5. Ảnh: PHI HÙNG

Mưa lớn lịch sử gây ngập nặng tại phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chiều 29-5. Ảnh: PHI HÙNG

Cũng theo Trung tâm DBKTTVQG, đây là trận mưa vượt mốc lịch sử năm 1986. Cụ thể, tại trạm Láng, lượng mưa 14-16 giờ ngày 29-5 là 138 mm trong khi mốc lịch sử ngày 18-6-1986 đạt 132,5 mm.

Báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho thấy lượng mưa đo được tại khu vực nội thành như Ba Đình là 114,5 mm; Hoàng Mai là 110,1 mm; Thanh Xuân là 111,0 mm; Hai Bà Trưng là 104,6 mm; Thanh Trì là 123,7 mm; Nam Từ Liêm là 130,4 mm; Tây Hồ là 160,0 mm và đặc biệt là Cầu Giấy lên tới 181,5 mm.

Lượng mưa lớn, dồn dập trong thời gian ngắn đã gây ra khoảng 35 điểm úng ngập trên nhiều tuyến phố ở nội đô. Đặc biệt là các tuyến phố ở khu vực các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân…

“Hệ thống thoát nước của TP chỉ đáp ứng cho các trận mưa có cường độ trung bình khoảng 70 mm/2 giờ đồng hồ. Trong khi đó, lượng mưa tại khu vực các quận nội thành đo được trong thời điểm chiều qua đều cao trên 100 mm. Do đó đã khiến cho nhiều khu vực trong nội thành bị ngập sâu” - đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay.

Theo ghi nhận của PV, khu vực nội thành cũ mưa ngập nhưng nước thoát nhanh. Riêng khu vực phía tây nội thành (các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy) nước thoát rất chậm. Đặc biệt tại khu vực Mỹ Đình, nhiều phương tiện giao thông bị ngâm trong nước nhiều giờ liền, không giải cứu được.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay do hạ tầng thoát nước tại khu vực các quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) đã được đầu tư hoàn thiện từ năm 2016. Riêng khu vực phía tây các dự án cụm công trình trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Đông) và Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) đã được đầu tư nhưng đến nay hệ thống kênh dẫn nước vẫn chưa hoàn thiện. Điều này khiến nước ngập tại các tuyến phố ở khu vực phía tây nội thành thoát chậm.

Không hạ tầng nào ứng phó nổi mưa lớn bất thường

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30-5, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho hay thời tiết hiện nay có biến đổi bất thường, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều như hạn hán, mưa lớn…

“Không phải chỉ Việt Nam mà ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu thì việc mưa lớn dồn dập tập trung vào một thời điểm cũng không có hạ tầng nào có thể chịu đựng được” - Bộ trưởng Hà nói và nhấn mạnh vấn đề thời tiết bất thường cùng việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn đều có nguy cơ như nhau đối với các đô thị.

Có thể thời tiết cực đoan 20, 30, 50 năm mới xảy ra một lần nhưng cũng phải tính phương án ứng phó.

Theo đó, Bộ trưởng Hà đề nghị cần phải nhìn lại toàn bộ vấn đề thiết kế hạ tầng ở đô thị. Khi thiết kế các đô thị quan trọng nhất là phải dự báo được tính cực đoan của khí hậu thời tiết cũng như quy mô dân số. Đi kèm đó là phải xây dựng được hạ tầng đáp ứng được các dự báo. Tức là các hệ thống thu - thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ, phù hợp với quy mô dân số.

“Thậm chí chúng ta phải dự báo không chỉ trong ngắn hạn mà phải có tầm nhìn dài hạn. Có thể thời tiết cực đoan 20, 30, 50 năm mới xảy ra một lần nhưng cũng phải tính phương án ứng phó. Các phương án đó giúp cho khâu thiết kế cơ sở hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt” - ông Hà nói.

Ông cho rằng khi thiết kế hệ thống thoát nước của đô thị phải tính toán để dù đô thị có phát triển, thay đổi thì vẫn có những khu vực thoát nước tự nhiên được, hạn chế tối đa việc sử dụng máy móc, thiết bị để thoát nước. Đồng thời có hệ thống trữ nước để ứng phó với hạn hán cực đoan.

Theo Bộ trưởng Hà, TP Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo. TP cũng cần có dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết. Đặc biệt là cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng trong thiết kế đô thị để thiết kế một đô thị thông minh, có khả năng chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.

“Khi đã ngập rồi thì phải sử dụng các máy bơm để thoát nước, đây gần như là giải pháp ứng phó mang tính trù bị bắt buộc. Do vậy cần phải có hệ thống thoát nước đảm đương nhiều tình huống, có khả năng chống chịu một cách thông minh” - ông Hà nói.•

Trung tâm DBKTTVQG dự báo ngày 31-5, khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm/đợt, có nơi trên 120 mm/đợt. Khu vực đồng bằng Bắc bộ có mưa rào và dông, một số nơi có mưa to. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Đến hết ngày 31-5, mưa tại Bắc bộ mới giảm dần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm