Hà Nội nói về việc giá mua nước mặt cao hơn giá bán nước sạch

Chiều 12-11, TP Hà Nội đã thông tin xoay quanh việc cấp nước sạch cho người dân thủ đô của Công ty Nước sạch Sông Đuống (do Công ty CP Nước mặt Sông Đuống đầu tư). Theo lãnh đạo Sở Tài chính tp Hà Nội, hiện mỗi m³ nước sông Đuống đang phải gánh khoảng 2.000 đồng chi phí lãi vay…

Sau khi nghe đại diện UBND TP Hà Nội báo cáo về quy mô, tiến độ, chủ trương của Hà Nội về Nhà máy nước mặt sông Đuống, báo chí đã đặt hàng loạt câu hỏi xoay quanh dự án này. Trong đó có nội dung từ năm 2017, UBND TP Hà Nội có quyết định tạm tính giá nước sạch sông Đuống tối đa là 10.246 đồng/m³ trong khi giá nước sạch sông Đà khoảng 5.000 đồng/m³.

Tại sao giá nước mặt sông Đuống cao hơn của các đơn vị khác? Việc vội vàng xã hội hóa đầu tư nước sạch và Hà Nội có nhiều ưu ái cho Công ty Nước sạch Sông Đuống có lợi ích nhóm hay không? Dư luận lo ngại thông tin cổ phần của Nhà máy nước mặt sông Đuống bị bán cho nước ngoài, làm sai lệch chủ trương của TP Hà Nội.

Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Trả lời câu hỏi liên quan đến giá nước sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính tp Hà Nội, cho biết việc tính giá nước sông Đuống căn cứ vào hàng loạt quy định với nguyên tắc chính “phải tính đúng, tính đủ”. Trong đó có các loại chi phí như chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%.

Ông Hà cũng khẳng định mức giá trên mới chỉ là giá tạm tính, vì đến thời điểm này chưa xác định được giá nước sạch sông Đuống do dự án chưa được quyết toán, mức giá cụ thể thì chỉ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức.

Theo ông Hà, mức giá tạm tính 10.246 đồng/m³ của Nhà máy nước mặt sông Đuống đang cao hơn giá bán lẻ hiện hành (giá bán lẻ 7.000 đồng/m³). Do đó, TP Hà Nội đang hiệp thương với Công ty Nước mặt Suông Đuống và các đơn vị phân phối theo nguyên tắc giá bán buôn không được phép cao hơn giá bán lẻ. Cụ thể, theo tính toán thì giá bán lẻ nước sạch sông Đuống là hơn 9.000 đồng/m³. Sau khi trừ đi phần hao hụt sẽ còn hơn 7.000 đồng/m³. Vì vậy, liên ngành báo cáo TP Hà Nội dự tính giá sau khi hiệp thương là 7.700 đồng/m³.

Về việc vì sao giá nước sông Đuống cao hơn nước sông Đà, ông Hà cho hay cả hai nhà máy trên đều tính theo quy định chung. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy. Cụ thể, Nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỉ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng. Ông Hà giải thích hai nhà máy có sự khác nhau về quy mô đầu tư cũng như chất lượng nguồn nước thô.

“Tổng mức đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỉ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước”’ - ông Hà thông tin.

Dự án ngoài ngân sách

Ông Võ Tuấn Anh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, cho biết Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty CP Nước mặt Sông Đuống đầu tư và khởi công từ tháng 3-2017. Dự án chia làm ba giai đoạn, trong đó quy mô giai đoạn một đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m³/ngày đêm; giai đoạn hai đến năm 2025 sẽ đạt công suất 600.000 m³/ngày đêm; giai đoạn ba đến năm 2030 sẽ đạt công suất 900.000 m³/ngày đêm.

“Đến tháng 10-2019, dự án đã hoàn thành xong giai đoạn một, đạt công suất 300.000 m³/ngày đêm, vượt tiến độ một năm. Với tốc độ phát triển đô thị của TP nhanh như hiện nay, để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân thủ đô đến năm 2020 sẽ cần khoảng 2 triệu m³/ngày đêm. Do vậy, việc đầu tư bổ sung dự án nước sạch là cấp thiết. Dự án này được TP giao cho nhà đầu tư thực hiện ngoài ngân sách” - ông Võ Tuấn Anh thông tin. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới