Theo đó, Ban Chỉ đạo do ông Sơn làm trưởng ban, ông Trần Nam Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và Đại tá Lê Văn Sao - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh làm phó ban và 30 thành viên.
Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, lắng nghe ý kiến bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo phục hồi phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ban chỉ đạo được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách tỉnh, được thành lập các tổ giúp việc và được điều động lực lượng, phương tiện hoạt động. Các thành viên ban chỉ đạo được phép điều động cán bộ thuộc đơn vị mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. UBND tỉnh là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo.
Hôm nay (2-7), ban chỉ đạo trên đã họp để nghe và cho ý kiến về công tác đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường, phục hồi sản xuất và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Những con thuyền đang gác mái chèo, nằm bờ ở phía Nam Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Tại cuộc họp, các thành viên cho rằng thời gian qua cơ quan chức năng đã kịp thời có nhiều chính sách, giải pháp để ổn định đời sống người dân, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ đời sống bà con nhân dân và khôi phục sản xuất...
Sua sự cố môi trường cá chết do Formosa Hà Tĩnh gây ra tỉnh Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và chính sách khai thác hải sản, hậu cần nghề cá... UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường cá chết. Tại buổi họp, Hội đồng đánh giá trên cho biết đã chỉ đạo thành lập các hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện. Đồng thời, chỉ đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh xây dựng đề cương, kế hoạch, nhiệm vụ liên quan đến phương pháp khảo sát, nguyên tắc tiêu chí, mức hỗ trợ…
Có thành viên đưa ra ý kiến cần phải thành lập thêm một tổ chức hoạt động độc lập để giám sát kết quả một cách khách quan, minh bạch...
Những con thuyền câu mực xa bờ chuẩn bị ra khơi.
Trả lời báo chí về làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để gây ra sự cố môi trường, ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tinh thần chung là theo đúng trách nhiệm, tới đây sẽ xử lý cụ thể, cái nào là của Trung ương, cái nào là của địa phương, ai liên quan thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc của tỉnh thời điểm này tập trung cao độ cho công tác ổn định tình hình và ổn định phát triển sản xuất. Trong tháng 7 này theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương hoàn thành phương án đánh giá thiệt hại nhằm thống kê chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng”.
Hiện nay tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường quan trắc nước biển ven bờ tỉnh Hà Tĩnh ít nhất 2 lần/tuần.