Hai án lệ còn nhiều vướng mắc khi áp dụng

(PLO)- Cần ban hành Nghị quyết hủy án lệ nếu án lệ này không áp dụng được trên thực tế; bởi điều quan trọng trong tiêu chí của án lệ là phải giải quyết được vấn đề gì cho xã hội...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-7, Cụm thi đua số 3 TAND TP.HCM tổ chức hội thảo áp dụng và phát triển án lệ.

Tại hội thảo, TS Đỗ Thanh Trung (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng hoạt động áp dụng án lệ của tòa án gặp nhiều khó khăn, trong đó có hai vấn đề khó khăn là xác định tình huống tương tự và xác định phạm vi của quy tắc án lệ.

Hai án lệ còn nhiều vướng mắc khi áp dụng

Theo TS Đỗ Thanh Trung, trong thực tiễn các tòa có quan điểm khác nhau về xác định tình tiết tương tự. Chẳng hạn, trong một vụ án tranh chấp đòi lại tài sản do TAND TP Cần Thơ giải quyết. Nội dung vụ việc này có tình tiết cơ bản tương tự với Án lệ 02/2016/AL là người Việt kiều nhờ người Việt Nam đứng tên mua tài sản.

Tuy nhiên, vụ việc do tòa này giải quyết có tình tiết khác với Án lệ 02 là người Việt Kiều “không trực tiếp” giao dịch mà đưa tiền cho người đứng tên dùm giao dịch; còn Án lệ 02 có tình tiết là người Việt kiều “trực tiếp” giao dịch với người bán tài sản (đất). Do đó, TAND TP Cần Thơ đã không áp dụng Án lệ số 02 vì cho rằng vụ việc đang giải quyết không tương tự với tình huống Án lệ số 02.

Ngược lại, trong Bản án số 208/2017/ DS-PT của TAND Cấp cao tại TP.HCM ngày 29-8-2017, mặc dù cũng có tình tiết người Việt kiều “không trực tiếp” giao dịch mà đưa tiền cho người đứng tên dùm giao dịch như vụ việc tại TAND TP Cần Thơ, nhưng tòa này vẫn áp dụng Án lệ số 02/2016/AL yêu cầu người đứng tên dùm phải trả nhà lại cho người Việt kiều vì cho rằng vụ việc mình đang giải quyết có tính chất tương tự với tình tiết của Án lệ số 02/2016/AL.

hai-an-le-trung.jpg
TS Đỗ Thanh Trung (Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Cạnh đó, ông Trung cho rằng thực tế còn có bất cập trong việc xác định phạm vi của quy tắc án lệ. Điển hình nhất là việc áp dụng Án lệ số 47 liên quan đến phân định tội danh giữa tội “giết người” với tội “cố ý gây thương tích”.

Theo ông Trung, báo chí đã phản ánh những bất cập và vướng mắc trong áp dụng Án lệ số 47 như là tòa án chỉ căn cứ vào yếu tố "dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể" và cho rằng người phạm tội có ý thức tước đoạt mạng sống của bị hại; mà không xem xét, đánh giá các yếu tố khác như mâu thuẫn giữa hai bên, cường độ tấn công, tỉ lệ thương tích…

Để giải quyết các vướng mắc trên, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13-6-2023 có hướng dẫn áp dụng Án lệ số 47. Theo đó, không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng Án lệ số 47; mà chỉ xem xét áp dụng án lệ này khi hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố khác về tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi...

Ông Trung cũng băn khoăn về việc án lệ là để làm rõ quy định của pháp luật nhưng TAND Tối cao lại phải ban hành công văn hướng dẫn cho án lệ này.

Ông NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC, Chánh án TAND quận Bình Tân, TP.HCM:

Do cách hiểu khác nhau nên áp dụng không thống nhất

nguyen-duc-phuoc.jpg
Ông Nguyễn Đức Phước, Chánh án TAND quận Bình Tân, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Dưới góc độ tòa án, chúng tôi nhận thấy quá trình áp dụng án lệ tòa án gặp một số khó khăn như:

Thứ nhất là muốn áp dụng tòa án phải đánh giá, phân tích tình huống và câu từ, khi không tương thích thì không áp dụng án lệ đó dù có thể tình huống gần như tương tự.

Thứ hai là việc hiểu không giống nhau nên dẫn đến áp dụng không thống nhất. Đơn cử là Án lệ số 47, các tòa án áp dụng chưa thống nhất dẫn đến một số vụ án bị hủy. Sau đó, TAND Tối cao phải ra Công văn số 100 hướng dẫn. Tuy nhiên Công văn số 100 cũng chưa giải quyết được vì một số vụ án vấn đề, tình tiết lại không giống nhau dẫn đến vẫn không thống nhất được quan điểm. Trong khi xác định giết người hay cố ý gây thương tích sẽ khác nhau về thẩm quyền giải quyết...

an-le-chu-toa.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Băn khoăn về các tiêu chí của án lệ

Tại hội thảo, TS Đỗ Thanh Trung (Trường ĐH Luật TP.HCM) còn cho rằng tiêu chí về tính chuẩn mực của án lệ là yêu cầu mang tính “định tính” và rất khái quát, trừu tượng. Vì vậy, chắc chắn sẽ rất khó khăn áp dụng tiêu chí này trong hoạt động đề xuất, lựa chọn các bản án, quyết định phát triển thành án lệ.

Theo ông Trung, về tiêu chí án lệ phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử có thể được hiểu rằng vấn đề pháp lý trong vụ việc được tòa án giải quyết phải mang tính điển hình. Trong thực tiễn xét xử, vấn đề pháp lý này các tòa án thường xuyên gặp và cần phải giải quyết.

Tính chuẩn mực của án lệ không chỉ là câu từ phải trau chuốt mà phải đúng luật và lập luận chặt chẽ. Muốn lựa chọn được án lệ tốt nên xây dựng từ giai đoạn viết bản án.

Ông TỐNG ANH HÀO, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao

Nói về các tiêu chí của án lệ, GS-TS Đỗ Văn Đại cho rằng khi xây dựng án lệ phải xem xét, đánh giá đường lối giải quyết đó nếu nhân rộng sẽ mang lại hệ quả tích cực gì cho xã hội. Cần có đường lối giải quyết thống nhất thì dễ vì nếu cấp trên áp xuống thì sẽ thống nhất nhưng quan trọng là đường lối đó có tốt cho xã hội hay không, vì án gốc chỉ giải quyết cho một vụ việc nhưng nếu nhân rộng ra sẽ áp dụng cho các tình huống tương tự khác. Đó là lý do khi đề xuất các bản án làm án lệ, GS-TS Đỗ Văn Đại luôn có phần "Vì sao cần án lệ này, nó có tác động tích cực gì cho xã hội?".

Còn khi áp dụng án lệ, theo GS-TS Đỗ Văn Đại, vấn đề mấu chốt là xác định tình huống pháp lý tương tự để áp dụng. Cần phân biệt được hoàn cảnh tương tự, vấn đề pháp lý tương tự. Một bản án sẽ có rất nhiều vấn đề pháp lý tương tự nhưng chỉ có một hoàn cảnh; phải căn cứ vào vấn đề pháp lý tương tự vì vấn đề pháp lý tương tự sẽ có giải pháp tương tự chứ không phải căn cứ vào hoàn cảnh tương tự.

Về tiêu chí án lệ phải có tính chuẩn mực, ông Tống Anh Hào (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) cho rằng là rất khó xác định. Đoạn chọn làm án lệ câu chữ phải chuẩn nhưng thực tiễn có nhiều bản án của địa phương đề xuất nội dung hay nhưng câu chữ lại không chuẩn. Vì vậy, muốn chọn làm án lệ, ngay từ khi viết bản án phải chuẩn mực.

Cạnh đó, theo ông Hào, tính chuẩn mực của án lệ không chỉ là trong bản án câu từ phải trau chuốt mà phải đúng luật và phải lập luận chặt chẽ chứ không chỉ liệt kê. Ông Hào nhấn mạnh muốn lựa chọn được án lệ tốt nên xây dựng từ giai đoạn viết bản án, khi bản án không có sai sót mới có thể phát triển thành án lệ.

Tại sao không ban hành nghị quyết hủy án lệ?

Về Án lệ số 47, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng không thống nhất là do án lệ này chưa khái quát được vấn đề pháp lý cần phát triển án lệ.

an-le-co-hong.jpg
TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Theo đó, để xác định hành vi cấu thành tội giết người không chỉ là dừng lại ở hành vi dùng hung khí tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại mà còn các yếu tố khác như tính chất, mức độ của hành vi, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, ý thức chủ quan của bị cáo...

TS Hồng cũng đặt ra vấn đề "Tại sao TAND Tối cao không ban hành Nghị quyết hủy án lệ nếu án lệ này không áp dụng được trên thực tế?". Theo TS Hồng, sau khi đưa vào thực tiễn áp dụng nếu án lệ không đáp ứng được các tiêu chí của án lệ thì có thể hủy án lệ này. Vì điều quan trọng trong tiêu chí của án lệ là phải giải quyết được vấn đề gì trên thực tế...

Cạnh đó, theo bà Hồng, thường các thẩm phán ra bản án chỉ dừng lại ở việc giải quyết được vụ án đó mà không nghĩ đến việc sẽ phát triển bản án này thành án lệ. Vì vậy, để phát triển thành án án lệ, các thẩm phán phải chỉn chu ngay từ giai đoạn viết án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm