Bài học từ Án lệ 71: Giao dịch về đất đai không nên chỉ dựa vào tình cảm

(PLO)- Các giao dịch về đất đai không nên chỉ dựa vào yếu tố tình cảm mà còn cần phải tuân thủ về mặt pháp lý, khi xảy ra tranh chấp thì cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện khi lựa chọn cơ quan giải quyết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, TAND Tối cao đã công bố 2 án lệ mới. Trong đó, có Án lệ 71 về việc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Nguồn án lệ dựa trên Quyết định giám đốc thẩm số 14/2022/DS-GĐT ngày 28-4-2022 về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại của UBND giữa nguyên đơn là bà H với bị đơn là bà C.

án lệ 71
TS Nguyễn Văn Tiến, Trường ĐH Luật TP.HCM.

2 cấp toà có phán quyết trái ngược

Theo bà H, chồng bà là ông T có một thửa đất (do cha mẹ chồng để lại) đã được cấp giấy chứng nhận (GCN) vào năm 1992.

Do gia đình bà C gặp nhiều khó khăn nên ông T cho bà C tạm thời canh tác trên đất. Quá trình canh tác, bà C đã lấn chiếm thêm đất của gia đình bà H, đồng thời xây dựng nhà trên đất. Sau đó, bà C làm đơn và được cấp GCN.

Bà H nhiều lần yêu cầu bà C trả đất nhưng không được nên đã khởi kiện.

Bà C thì trình bày rằng bà làm công nhân cạo mủ cho đồn điền cao su do ông T làm chủ. Tuy nhiên, do gia đình bà C không có đất canh tác nên gia đình phát cỏ, canh tác trồng hoa màu trên đất hiện đang tranh chấp. Thực tế, bà và gia đình cũng không rõ đất thuộc quyền quản lý của ai.

Do ông T sinh sống ở TP.HCM thỉnh thoảng có về trông coi đất và nói với bà là đất hiện gia đình bà đang canh tác là đất của ông T nên bà có ngỏ lời xin đất này để canh tác và được ông T đồng ý và viết “giấy xác nhận” cho bà diện tích đất nêu trên.

Tuy nhiên, sau đó, ông T có nhu cầu nới rộng diện tích trồng cao su nên có liên hệ với UBND xã mời các hộ sinh sống trên đất tiếp giáp với vườn cây cao su của ông T để thương lượng đền bù (trong đó có hộ gia đình bà) nhưng gia đình bà không đồng ý vì ngoài diện tích đất nêu trên gia đình bà không còn diện tích đất nào khác để canh tác.

Gia đình bà H khiếu nại đòi đất nhưng UBND huyện và UBND tỉnh đều bác đơn khiếu nại. Do đó, bà C không đồng ý với yêu cầu của bà H về việc đòi diện tích đất nêu trên.

Ngày 31-10-2018, TAND tỉnh Đồng Nai ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Bà H kháng cáo.

Ngày 8-5-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng cáo của bà H, hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND tỉnh Đồng Nai và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Không đồng tình, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 14-3-2022, Chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy quyết định của TAND Cấp cao tại TP.HCM và giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm này.

Từ vụ án trên, theo Án lệ 71, ông T khiếu nại về việc đòi lại đất nhưng cả UBND cấp huyện và cấp tỉnh đều bác khiếu nại.

Như vậy, diện tích đất mà các bên tranh chấp đã được giải quyết bằng quyết định số của chủ tịch UBND tỉnh, có hiệu lực thi hành. Do đó, TAND tỉnh Đồng Nai đình chỉ giải quyết vụ án là đúng.

Lưu ý về thời hiệu khởi kiện, thủ tục pháp lý

Nói về nội dung án lệ 71, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM), cho biết năm 2000, ông T khiếu nại nhưng UBND huyện bác đơn. Ông T tiếp tục khiếu nại và năm 2001, chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại lần 2. Thời điểm này, các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không có GCN sẽ chỉ do UBND giải quyết theo Luật Đất đai 1993.

Như vậy, việc nhận định diện tích đất bà H tranh chấp với bà C đã được giải quyết bằng quyết định của chủ tịch UBND tỉnh (sau đó bà C mới được cấp GCN) là đúng theo quy định.

Do đó, quyết định giám đốc thẩm nhận định rằng việc TAND tỉnh Đồng Nai đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm c khoản 1 Điều 192 (sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 (đình chỉ đối với các trường hợp theo khoản 1 Điều 192 mà tòa án đã thụ lý) là đúng.

Trên thực tế nhiều người dân cũng băn khoăn là khi tranh chấp đất đai nên khởi kiện người đang chiếm đất bằng vụ án dân sự (UBND tham gia với tư cách người liên quan) hay khởi kiện quyết định của UBND (về việc bác khiếu nại hoặc quyết định cấp GCN) bằng con đường hành chính.

Theo TS Tiến, việc lựa chọn đối tượng khởi kiện sẽ ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện vì đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất sẽ không áp dụng thời hiệu, trong khi vụ án hành chính thời hiệu khởi kiện là 1 năm.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng người dân cần xác định là nếu tranh chấp về quyền sử dụng đất mà có GCN hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án giải quyết.

Còn nếu tranh chấp mà đương sự không có GCN hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự sẽ được lựa chọn giải quyết tại UBND hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định về tố tụng dân sự.

Ở trường hợp này, nếu người dân chọn khiếu nại tại UBND thì khi UBND ban hành quyết định giải quyết mà người dân không đồng tình thì có quyền khởi kiện tại TAND theo con đường hành chính. Lúc này người dân nên lưu ý về thời hiệu khởi kiện đối với vụ án hành chính là 1 năm. Nếu hết thời hạn này mà người dân mới khởi kiện thì tòa án sẽ trả đơn vì đây là trường hợp đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực.

"Có ý kiến cho rằng, việc kiện UBND theo con đường hành chính sẽ giải quyết triệt để vụ án hơn, nhất là đối với các vụ án đã được ủy ban cấp GCN. Tuy nhiên, đối với việc khởi kiện vụ án dân sự, UBND sẽ tham gia với tư cách người liên quan.

Và trong vụ án dân sự nếu đương sự yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND (quyết định cấp GCN) thì tòa án cũng sẽ giải quyết luôn mà không cần tách ra giải quyết bằng một vụ án hành chính khác", TS Tiến nói.

Cũng theo ông, để phòng ngừa các tranh chấp không muốn có, chủ đất ngoài việc thường xuyên thăm nom đất đai của mình thì nên tiến hành các thủ tục để được cấp GCN. Còn người được tặng cho đất (không có hợp đồng và không công chứng, chứng thực) nên thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định. Các giao dịch về đất đai không nên chỉ dựa vào yếu tố tình cảm mà còn cần phải tuân thủ về mặt pháp lý.

Nên ban hành hướng dẫn

Theo Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì một trong những tiêu chí lựa chọn án lệ là để giải quyết những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.

Trong khi đó, điểm c khoản 1 Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định rõ về trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tòa án sẽ đình chỉ nếu đã thụ lý và quyết định giám đốc thẩm cũng đã viện dẫn quy định này.

Vì vậy, nếu điều luật đã quy định mà còn có cách hiểu khác nhau hoặc áp dụng chưa thống nhất thì thay vì ban hành án lệ, TAND Tối cao nên ban hành văn bản giải thích pháp luật hoặc giải đáp trong các lần giải đáp vướng mắc nghiệp vụ cho cấp dưới.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm