Vừa qua, TAND Tối cao đã công bố 2 án lệ mới, trong đó Án lệ số 72/2024/AL về xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trong trường hợp di chúc không thể hiện diện tích đất cụ thể.
Nguồn án lệ dựa trên Quyết định giám đốc thẩm số 60/2022/DS-GĐT ngày 19-12-2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Khi di chúc chưa thực sự rõ về di sản thừa kế
Theo nội dung vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà G với bị đơn là ông U. thì khi còn sống, cha mẹ bà G đã lập di chúc cho bà phần đất tại huyện C (nay là huyện P), tỉnh Cà Mau. Tuy di chúc của cha mẹ bà G không ghi diện tích đất cụ thể (chỉ ghi là 15 công tầm lớn) nhưng có nêu tứ cận của khu đất.
Sau khi cha mẹ chết, bà vẫn quản lý và sử dụng phần đất này. Tuy nhiên, ông U đã giả mạo chữ ký của mẹ bà để làm giấy chứng nhận...
Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã cấp cho ông U và công nhận quyền sử dụng đất cho bà...
Ông U thì cho rằng cha, mẹ đã tặng cho ông phần đất này, ông đã kê khai và được cấp giấy chứng nhận. Khi ông đi nơi khác sinh sống, ông để lại căn nhà cho bà G mượn ở và canh tác trên đất. Ông U phản tố đề nghị tòa buộc bà G trả lại đất và nhà cho ông.
Xử sơ thẩm hồi tháng 4-2019, TAND tỉnh Cà Mau đã căn cứ vào nội dung của di chúc, biên bản họp gia đình, lời khai của các con và quá trình quản lý, sử dụng đất liên tục từ năm 1998 của bà G cũng như việc kê khai, đăng ký đất, từ đó chấp nhận yêu cầu của bà G, hủy giấy chứng nhận đã cấp cho ông U...
Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM không chấp nhận kháng cáo của ông U, giữ nguyên án sơ thẩm.
Sau đó, VKSND Tối cao kháng nghị đề nghị hủy cả hai bản án để xử sơ thẩm lại. Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã không chấp nhận kháng nghị này và giữ nguyên bản án phúc thẩm.
Trong vụ án này, di chúc làm phát sinh tranh chấp được lập năm 1998, một trong hai người lập di chúc chết năm 1998 và người còn lại chết năm 2010. Trong khi đó, BLDS 1995 và BLDS 2005 yêu cầu “Di chúc phải ghi rõ di sản để lại và nơi có di sản”. Ở đây, nội dung di chúc có xác định tứ cận nhưng không thể hiện diện tích đất cụ thể nên di chúc chưa thực sự “rõ” về di sản nhưng vẫn có thể xác định được di sản thông qua tứ cận (không có tranh chấp về tứ cận).
Do đó, án lệ công nhận quyền sử dụng đất cho người được hưởng theo di chúc là phương án chấp nhận được. Nếu theo hướng ngược lại không công nhận thì sẽ không tôn trọng ý chí của người để lại di chúc, không bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được chỉ định trong di chúc.
Ưu điểm của Án lệ số 72
Án lệ số 72 được thông qua theo thủ tục rút gọn, tức hướng giải quyết được Hội đồng giám đốc thẩm đề xuất thành án lệ trong quá trình giải quyết vụ việc và được Hội đồng thẩm phán thông qua mà không cần xin ý kiến của công chúng, không cần tham khảo ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ.
Án lệ này có ưu điểm là công nhận quyền sử dụng đất có tranh chấp là di sản thừa kế và thừa nhận quyền sử dụng đất tồn tại trên thực tế cho người được chỉ định trong di chúc mặc dù di chúc chỉ nêu tứ cận và không nêu diện tích đất cụ thể. Hướng này tôn trọng ý chí của người quá cố được thể hiện trong di chúc và bảo vệ quyền lợi của người được chỉ định trong di chúc.
Hai vấn đề quan trọng của Án lệ số 72
Trong quyết định gốc tạo ra Án lệ số 72, Hội đồng giám đốc thẩm không viện dẫn quy định nào BLDS nào nhưng khi xây dựng Án lệ số 72, Hội đồng thẩm phán có nêu một số quy định của BLDS 2015 và điều này cho thấy Hội đồng thẩm phán muốn áp dụng đường lối trong Án lệ số 72 cho cả trường hợp di chúc chịu sự điều chỉnh của BLDS 2015.
Tuy nhiên, ở Án lệ số 72 cách thể hiện đường lối giải quyết trong quyết định gốc (đặc biệt là trong phần nội dung án lệ) và trong phần khái quát nội dung án lệ có sự khác biệt và điều này có thể dẫn tới những khó khăn trong việc áp dụng án lệ.
Trong phần nội dung án lệ (trích từ quyết định gốc), việc công nhận quyền sử dụng đất cho người được nêu trong di chúc dựa vào 5 yếu tố: nội dung của di chúc; biên bản họp gia đình; lời khai của các con; quá trình quản lý, sử dụng đất liên tục; không có tranh chấp về tứ cận. Thế nhưng, trong phần khái quát nội dung án lệ lại chỉ cần yếu tố di chúc nêu tứ cận và không có tranh chấp về tứ cận mà không quan tâm tới 3 yếu tố còn lại.
Phải chăng chỉ cần căn cứ vào nội dung di chúc (nêu tứ cận) và không có tranh chấp về tứ cận là đủ để áp dụng Án lệ số 72? Đây là điểm chưa rõ ràng của án lệ và có thể gây tranh cãi trong quá trình áp dụng.
Nếu có cơ sở xác định được ý chí của người lập di chúc, có lẽ chỉ cần tình huống có yếu tố tương tự những thông tin trong phần khái quát nội dung án lệ (chỉ cần 2 yếu tố mà không cần 5 yếu tố).
Cạnh đó, trong phần nội dung án lệ, quyết định gốc không bàn về tính “hợp pháp” của di chúc nhưng trong phần khái quát nội dung án lệ có nêu “di chúc hợp pháp”. Ở đây, trước khi áp dụng Án lệ số 72, có lẽ cần xem xét di chúc có hợp pháp hay không và chỉ áp dụng đường lối trong án lệ này sau khi xác định di chúc là hợp pháp.
Một điểm đáng lưu ý là cần đọc kỹ nội dung án lệ và khái quát nội dung án lệ, không nên chỉ đọc tiêu đề của án lệ. Bởi Án lệ số 72 có tiêu đề là “xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trong trường hợp di chúc không thể hiện diện tích đất cụ thể”. Tiêu đề như vậy có thể dẫn tới cách hiểu là án lệ này chỉ đề cập tới việc xác định di sản thừa kế.
Trong khi nội dung án lệ và khái quát nội dung án lệ không chỉ xác định di sản thừa kế (là quyền sử dụng đất chỉ được nêu tứ cận trong di chúc, không nêu diện tích cụ thể) mà còn xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho người được nêu trong di chúc.
Khái quát nội dung án lệ
Mặc dù di chúc của cha mẹ bà G không ghi diện tích đất cụ thể, chỉ ghi là 15 công tầm lớn nhưng có nêu tứ cận của khu đất. Như vậy, phần đất bà G được cha, mẹ cho là đất có khuôn viên, xung quanh tiếp giáp với kênh và đất của các hộ dân khác, hiện nay không có tranh chấp về tứ cận...
Khi giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm căn cứ vào nội dung của di chúc, biên bản họp gia đình, lời khai của các con và quá trình quản lý, sử dụng đất liên tục từ năm 1998 của bà G cũng như việc kê khai, đăng ký đất. Từ đó, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà G, công nhận bà G được hưởng thừa kế đối với phần đất là di sản của cha mẹ bà là có căn cứ.