Ngày 11-6, mạng zaobao.com của Singapore đã có bài phân tích về chính sách riêng về biển Đông của Trung Quốc. Về vấn đề biển Đông, Trung Quốc lo ngại hai vấn đề.
Thứ nhất, lực lượng bên ngoài có thể can thiệp. Mỹ được coi là đối tác quan trọng của ASEAN, là nước có căn cứ quân sự siêu cấp đồng thời được nhiều nước xem như quốc gia có thể giúp cân bằng lực lượng tại biển Đông. Nếu Mỹ thay đổi thái độ trung lập hiện nay, tình hình biển Đông sẽ có nhiều diễn biến bất ngờ.
Thứ hai, các nước ASEAN đoàn kết trong vấn đề biển Đông. Đối với ASEAN, vấn đề biển Đông là vấn đề trọng đại ảnh hưởng đến tiến trình nhất thể hóa. Biết thế nên Trung Quốc luôn duy trì lập trường: Vấn đề biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN mà là vấn đề giữa Trung Quốc và từng quốc gia tranh chấp.
Thật dễ hiểu khi Trung Quốc luôn nhấn mạnh dùng cơ chế song phương để giải quyết vấn đề biển Đông, phản đối đa phương hóa và quốc tế hóa. Nhận thức rõ thách thức của hai vấn đề trên, Trung Quốc cho ra đời bộ đôi chính sách.
Tàu khu trục Mỹ mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon. Ảnh: US NAVY
Tàu hải giám 84 của Trung Quốc hoạt động ở biển Đông (tàu cắt cáp của tàu Bình Minh 02 Việt Nam). Ảnh: news.bandao.cn
Chính sách thứ nhất: Tăng cường giao lưu, hợp tác với Mỹ để giảm bớt sự can thiệp của Mỹ vào biển Đông.
Từ ngày 9 đến 10-5, trong cuộc đối thoại về chiến lược an ninh đầu tiên giữa Trung Quốc và Mỹ, hai bên đạt được Cơ chế tham vấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tiếp đó, Tổng tham mưu trưởng Trần Bỉnh Đức thăm Mỹ và đề xuất xây dựng mối quan hệ quân sự kiểu mới với Mỹ, giúp kéo dài “tấm ván ngắn” về chiến lược an ninh song phương.
Ngày 31-5, tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell phát biểu: “Mỹ cần làm một việc quan trọng trong Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á năm nay. Đó là thể hiện nỗ lực hợp tác với Trung Quốc”. Trong hội nghị Đối thoại Shangri-La ở Singapore mới đây, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates vẫn không tách rời vấn đề chủ đạo là hợp tác song phương Mỹ-Trung.
Đối với Trung Quốc, lợi ích cốt lõi trong vấn đề biển Đông chính là chủ quyền lãnh hải. Còn Mỹ chỉ cần bảo đảm đi lại tự do trên biển Đông, giữ địa vị lãnh đạo tại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ không bị lung lay và không phát sinh đối kháng với Trung Quốc.
Chính sách thứ hai: Ngăn các nước ASEAN đoàn kết trong vấn đề biển Đông.
Chính sách này do hai bộ phận cấu thành. Bộ phận thứ nhất và quan trọng nhất là lợi dụng ảnh hưởng kinh tế ngày một tăng, Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế với ASEAN để đến mức độ nhất định, phát triển kinh tế của ASEAN không thể tách rời Trung Quốc.
Sau khi khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN khởi động ngày 1-1-2010, mậu dịch song phương phát triển với tốc độ nhanh. Trong ba tháng đầu năm nay, kim ngạch hai bên đạt 110 tỉ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Lợi ích kinh tế lớn có thể trở thành nguyên nhân chính khiến các nước ASEAN khó đạt được đoàn kết và gây khó dễ cho Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.
Bộ phận thứ hai là Trung Quốc nhấn mạnh quyết tâm giải quyết vấn đề biển Đông theo con đường hòa bình, nỗ lực hợp tác với khu vực.
Trong thời gian dài, khu vực ASEAN tồn tại kết cấu chiến lược nhị nguyên, tức dựa vào Trung Quốc về kinh tế và dựa vào Mỹ về mặt an ninh. Vì vậy nỗ lực của Trung Quốc muốn thông qua hợp tác kinh tế để thúc đẩy hợp tác an ninh với ASEAN đạt được rất ít thành tựu. Thực chất Trung Quốc đang dựa vào lực lượng không quân và hải quân đang lớn mạnh để áp dụng biện pháp ngày càng cứng rắn tại biển Đông.
Nếu tình hình xấu, Philippines sẽ nhờ Mỹ Báo Inquirer (Philippines) ngày 11-6 đưa tin, bà Abigail Valte, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, tuyên bố Philippines cam kết sẽ theo đuổi con đường ngoại giao và đối thoại hòa bình với Trung Quốc và các bên cùng tranh chấp biển Đông; tuy nhiên nếu tình hình xấu đi, Philippines sẽ căn cứ Hiệp định Phòng thủ chung Mỹ-Philippines ký kết năm 1951 để đồng minh Mỹ giúp đỡ Philippines. Bà Abigail Valte cho biết vấn đề biển Đông có thể sẽ được đưa ra trong cuộc họp giữa Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Eduardo Oban Jr. với Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ, trong cuộc họp về phòng thủ chung giữa hai nước vào tháng 8 này. Hai hôm trước, Tổng tham mưu trưởng Eduardo Oban Jr. đã tuyên bố quân đội Philippines đang hành động rất cẩn thận để tránh hiểu lầm có thể dẫn tới hành vi thù địch trên biển Đông. Đây là phản ứng tiếp theo của Philippines sau sự kiện ngày 9-6, trong cuộc họp báo ở Manila (Philippines), Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu đã tuyên bố Trung Quốc ngăn cấm các nước thăm dò và khai thác dầu trên biển Đông, đồng thời Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực nếu bị tấn công. Ngày 10-6, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima đã đề nghị chính phủ đệ đơn kiện hình sự bảy tàu Trung Quốc đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển tỉnh Palawan (Philippines) hồi tháng 5-2010. ĐÌNH PHONG - ĐĂNG KHOA Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố về biển Đông Ngày 10-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố an ninh hàng hải ở biển Đông cũng mang lại lợi ích cho Mỹ và cộng đồng quốc tế, do đó Mỹ lo lắng trước thông tin về các sự cố trên biển Đông gần đây và các sự cố này không có lợi cho hòa bình và an ninh khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Mỹ ủng hộ tiến trình ngoại giao hòa bình, hợp tác đa phương để giải quyết tranh chấp, đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp tuân thủ luật pháp quốc tế. Sau sự kiện hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục USS Chung-Hoon ở biển Đông và biển Sulu, báo Phil Star của Philippines ngày 11-6 nhận định tàu khu trục Mỹ hoạt động trong vùng biển quốc tế nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và chứng minh rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận mâu thuẫn phát sinh từ tranh chấp. Đại sứ quán Mỹ ở Manila (Philippines) thông báo tàu USS Chung-Hoon đến tham gia cuộc tập trận chung thường niên của hải quân Mỹ và Philippines. THIÊN ÂN-ĐÌNH PHONG |
HOÀNG HẠNH