Bài viết nêu lại vụ tàu hải giám Trung Quốc phá cáp khảo sát của tàu dầu khí Việt Nam thuộc vùng biển Việt Nam và vụ tàu Trung Quốc dựng cột, đặt phao gần khu vực Iroquois Bank (Đá Khúc Giác thuộc đảo Bình Nguyên, quần đảo Trường Sa), khu vực tranh chấp mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Bài viết khẳng định không thể chấp nhận được khi Trung Quốc bài bác rằng Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán trong vùng biển tranh chấp. Bài viết dẫn ra năm 2002, Trung Quốc đã từng ký kết với ASEAN Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và nhấn mạnh hành động gần đây ở biển Đông của Trung Quốc đã vi phạm tuyên bố này.
Bài viết kêu gọi các nước ASEAN cần phải đoàn kết mạnh mẽ để ngăn chặn biển Đông trở thành biển nhà của Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc nên đối thoại với ASEAN để bàn về Bộ quy tắc ứng xử đối với các bên (COC) nhằm giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Bài báo kết luận Nhật cần hợp tác với Mỹ để tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN.
Sau phiên họp nội các Nhật sáng 10-6 về việc 11 tàu hải quân Trung Quốc đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako (Nhật), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa tuyên bố với báo giới: “Chúng tôi sẽ chú ý theo dõi xem Trung Quốc có những hành động vượt quá những gì đã làm hay không… Chúng tôi mong muốn Trung Quốc có hành động kiềm chế với tư cách là một cường quốc”. Ông cảnh báo: “Nhật cần cảnh giác cao độ trước hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc ngày càng gia tăng”.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật, trong hai ngày 8 và 9-6, Nhật đã phát hiện tàu chiến Trung Quốc tại vùng biển cách đảo Miyako khoảng 100 km về hướng đông bắc, trong đó tám tàu chiến xuất hiện ngày 8-6 và ba tàu chiến sáng ngày 9-6. Tốc độ và hướng đi của các tàu chiến Trung Quốc trong hai ngày đều như nhau là đi qua biển Hoa Đông để ra Thái Bình Dương. Số tàu chiến lần này tăng hơn một tàu so với lần đi qua đảo Okinawa vào tháng 4-2010.
KHÁNH UYÊN - HOÀNG HẠNH