Tối 28-7, bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, hai người vợ và ba đứa con bị chồng hiểu nhầm dẫn đến “mắc kẹt” ở Thừa Thiên- Huế đã về đến điểm cách ly quê nhà Kỳ Sơn.
Hai người vợ và ba con khi đang ở Nhà văn hóa thôn Phú Xuân (xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Ảnh: H.THÀNH.
Đó là vợ và hai con của anh anh Xồng Bá Định (21 tuổi, quê ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) và vợ con của anh Lầu Bá Lỳ (22 tuổi, trú xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn).
Sau khi anh Định và anh Lỳ “bỏ quên” vợ và con ở Thừa Thiên-Huế, hai anh chạy xe máy về Nghệ An vào ngày 27-7. Anh Định chạy về qua địa phận Hà Tĩnh, vào đến đầu Nghệ An thì dừng xe ngồi chờ…vợ và con. Còn anh Lỳ hiểu nhầm “xe trung chuyển ở Thừa Thiên-Huế sẽ đưa giúp vợ và con về quê nên anh đã chạy thẳng xe máy về xã nhà Nậm Cắn.
Sau thời gian cưu mang, UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) đã mua vé tàu cho năm người và hỗ trợ 4 triệu đồng cho hai người vợ và ba người con của anh anh Định, anh Lỳ.
Gần 4 giờ sáng hôm nay (28-7), năm người lên tàu rời Huế về Nghệ An. Khi xuống ga ở Nghệ An, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Kỳ Sơn đã bố trí xe đón, chở năm người vượt gần 300km về địa phương cách ly. Còn anh Định chạy xe máy về điểm khai báo y tế và cách ly của xã.
Do hai gia đình này đi từ vùng có dịch ở miền Nam trở về nên chưa được về nhà mà bố trí cách ly y tế tập trung tại điểm Trường PTDTBT THCS Nậm Cắn và Trường PTDTBT THCS Na Ngoi (huyện miền núi Kỳ Sơn). Ngành y tế cũng đang tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm COVID-19 cho những người ở vùng có dịch trở về địa phương cách ly.
“Trên đường đi về anh Lỳ có bị tai nạn và khi được trung chuyển qua Thừa Thiên-Huế anh hiểu nhầm là họ sẽ giúp chở vợ, con về quê nhà, nên anh mới chạy về trước chứ không cố tình quên”- ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn nói.
Như đã đưa tin, anh Định đưa vợ và con vào Bình Dương mưu sinh, làm thuê. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, vợ chồng anh Định mất việc làm, không có thu nhập, quá khó khăn, hai cặp vợ chồng là anh Định và anh Lỳ bàn nhau “cùng chạy xe máy về nhà”.
Khi về qua Đà Nẵng, tới đỉnh đèo Hải Vân, những người đi xe máy về quê được cơ quan chức năng trung chuyển qua địa phận tỉnh Thừa Thiên- Huế. Việc trung chuyển vừa giúp được những người đi xe máy an toàn hơn, giữ được sức khỏe và tránh lây dịch bệnh.
Khi xe trung chuyển đến địa phận xã Phong Thu (huyện Phong Điền)- giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, những người được trung chuyển tiếp tục lấy xe máy hành trình về quê.
Anh Định và anh Lỳ xuống xe trung chuyển vì hiểu nhầm “tưởng họ giúp chở vợ và con về quê luôn” nên hai người chạy thẳng xe máy về Nghệ An.
Vợ và con bị chồng bỏ lại phía sau đành đứng bên quốc lộ 1A để vẫy xin xe về quê nhà. Tuy nhiên, quá ít xe về Nghệ An. Hai người vợ và ba con nhỏ cũng không có điện thoại để liên lạc.
Chính quyền địa phương đã bố trí cho hai phụ nữ và ba trẻ nhỏ (có vợ và hai con của anh Định) đến trú tại Nhà văn hóa thôn Phú Xuân (xã Phong Thu, huyện Phong Điền). Lãnh đạo huyện Phong Điền đã mua vé tàu cho năm người nêu trên về quê nhà Nghệ An.